Giá lợn hơi tăng trở lại, sức mua thị trường khá trầm lắng
Còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, giá lợn hơi đã tăng trở lại, tuy nhiên, sức cầu tiêu thụ tại thị trường vẫn khá chậm.
Giá lợn hơi hôm nay (4/12) tiếp tục ghi nhận mức điều chỉnh tăng ở miền Bắc và miền Nam. Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi thu mua điều chỉnh tăng cao nhất 3.000 đồng/kg. Theo đó, tỉnh Tuyên Quang nhích nhẹ một giá lên mốc 50.000 đồng/kg. Sau khi tăng 3.000 đồng/kg, thương lái tỉnh Ninh Bình cũng điều chỉnh giao dịch lên mức 51.000 đồng/kg. Hiện giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 48.000 – 53.000 đồng/kg, mức giá cao nhất được ghi nhận tại Hưng Yên.
Giá lợn hơi khu vực miền Nam hôm nay đang dao động trong khoảng 46.000 – 50.000 đồng/kg, trong đó chứng kiến sự tăng giá 1.000 – 3.000 đồng/kg ở một số địa phương như Cần Thơ, Bến Tre so với ngày trước đó và đang được thu mua ở mức 50.000 đồng/kg. Còn tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay ổn định và dao động trong khoảng trong khoảng 47.000 – 50.000 đồng/kg.
Giá thịt lợn mát Meat Deli từ trang vinmart.com hôm nay (4/12) hiện mức giá đang bán dao động trong khoảng 129.900 – 189.900 đồng/kg. Trong đó, chân giò rút xương và nạc vai đang có giá bán lần lượt là 139.900 đồng/kg và 169.900 đồng/kg. Giá thịt lợn tại Công ty Thực phẩm Tươi sống Hà Hiền cũng ghi nhận ổn định ngày cuối tuần. Hiện mức giá đang bán trong khoảng 56.000 – 130.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tăng đẩy giá bán thịt lợn tại các chợ dân sinh cũng tăng theo. Ghi nhận tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như: chợ Hoàng Mai, chợ Thành Công, chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Gốc Đề… giá thịt lợn cũng tăng khoảng 10.000 – 20.000 đồng/kg tùy loại. Chị Hoa- tiểu thương chợ Hoàng Mai cho hay, giá lợn hơi mấy hôm nay đã lên đến 53.000 đồng/kg, lợn móc hàm cũng lên 72.000- 73.000 đồng/kg, giá thịt lợn tại chợ hiện phổ biến ở mức 90.000 – 130.000 đồng/kg tùy loại. Dù giá thịt lợn tại các lò mổ tăng lên nhưng theo chị Hoa, giá bán tại chợ cũng chỉ nhích nhẹ. Sức mua vẫn thấp, chợ búa ế ẩm. Những người tiểu thương như chúng tôi bán hàng giữ khách, giảm lợi nhuận, chia sẻ cùng người tiêu dùng. Theo các tiểu thương, giá lợn hơi sẽ vẫn giữ đà tăng giá từ nay tới Tết Nguyên đán.
Theo các chuyên gia, hiện dịch Covid-19 ở nhiều địa phương đã cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh doanh, ăn uống dần dần được khôi phục lại khiến nhu cầu tiêu thụ tăng và giá lợn hơi có chuyển biến tích cực. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến giá lợn tăng trở lại ở thời điểm này là do một số hộ bắt đầu lưu đàn, chờ Tết để có mức giá tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Trọng – Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)-cho biết, trong giai đoạn giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu thụ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh giảm 30 – 50% khiến tồn dư khoảng 1,5 triệu con lợn quá lứa. Khi các tỉnh bắt đầu thích ứng với bình thường mới, doanh nghiệp và người chăn nuôi tranh thủ xả hàng. Đến thời điểm này đàn lợn quá lứa được giải quyết hết. Giá lợn tăng theo quy luật.
Khẳng định giá lợn hơi chắc chắn phải tăng chứ không đứng mãi ở mức thấp như cách đây một vài tháng. Ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng, nếu mọi việc trở lại bình thường thì mức giá phải ở mức 55.000 – 60.000 đồng/kg mới cân đối 3 khâu sản xuất – lưu thông – tiêu dùng. Với mức giá 51.000 – 53.000 đồng/kg thì đối với các doanh nghiệp làm theo chuỗi còn có lãi. Tuy nhiên, đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải mua con giống với giá cao thì chưa có lãi. “Vừa rồi, khi giá lợn hơi hạ xuống, dân đổ đi bán nhiều vì sợ dịch. Đến nay, nguồn cung có phần giảm xuống. Tuy nhiên, riêng 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn họ vẫn chủ động sản xuất. Như đối với Công ty C.P Việt Nam, trung bình mỗi ngày vẫn xuất bán từ 20.000 – 25.000 con lợn thịt, với giá mới nhất là 51.000 – 52.000 đồng/kg. Đủ nguồn cung cho tiêu dùng”, ông Nguyễn Văn Trọng cho biết.
Cũng theo ông Trọng, giá lợn hơi tăng thời điểm này một phần do đây cũng là thời điểm chuẩn bị hàng hóa cho Tết, người chăn nuôi cũng muốn giữ lợn tại chuồng để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Liên quan đến nguồn cung thịt lợn Tết Nguyên đán sắp tới, ông Trọng cho biết thông thường, nếu lợn đạt trọng lượng 100 kg các trang trại đã rục rịch xuất chuồng. Tuy nhiên, người dân có thể kéo dài thời gian nuôi 15 ngày đến 1 tháng chờ Tết. Nếu trừ đi chi phí do kéo dài thời gian chăn nuôi thì người chăn nuôi dù không lãi nhiều nhưng vẫn có mức thu nhập cao hơn so với hiện nay. Thậm chí, nhiều hộ nhỏ lẻ đang có đàn lợn 40 – 50 kg, nuôi đến sát Tết mới được khoảng 80 – 90 kg, nếu được giá lợn cao, người ta sẵn sàng bán non, chốt lời. Còn đối với các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi chuyên nghiệp, lợn cứ đủ tuổi, đủ trọng lượng sẽ xuất chuồng, đàn nhỏ gối đàn to nên có đầu ra thường xuyên, ổn định ở mọi thời điểm. Do đó, không lo thiếu nguồn cung thịt lợn Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm 2021 thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, do đó nhu cầu tiêu thụ thịt lợn sẽ tăng nhưng không bằng các năm trước.
Nguồn: congthuong.vn