Kết nối tiêu thụ rau vụ Đông các tỉnh đồng bằng sông Hồng
Vụ Đông là vụ quan trọng nhất của các tỉnh đồng bằng sông Hồng với sản lượng xấp xỉ 2 triệu tấn, chủ yếu là cây ngắn ngày. Với chủ đề “Kết nối tiêu thụ rau vụ đông các tỉnh đồng bằng sông Hồng”, diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ XII do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng ngày 20/11 không chỉ nhằm kết nối giữa đầu sản xuất và phân phối tiêu thụ trong vụ mùa năm nay mà còn kỳ vọng tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm này.
Tìm đầu ra cho rau vụ Đông
Là địa phương chiếm 1/10 diện tích và chiếm hơn 1/8 sản lượng cây trồng vụ Đông với diện tích canh tác khoảng 21.000 ha, sản lượng trên 650.000 tấn, Hải Dương với đa dạng các sản phẩm như: Hành, tỏi, cà rốt, bắp cải, su hào, súp lơ, dưa hấu, dưa chuột, cà chua, bí xanh, củ đậu, khoai tây, ngô… Trong đó, tiêu thụ nội địa chiếm 30%; tiêu thụ tại các tỉnh, thành trong nước chiếm 60% cây rau màu vụ Đông; xuất khẩu chiếm 10-15 %.
Ông Vũ Việt Anh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương- cho hay, một số sản phẩm cây vụ Đông của địa phương đã và đang xuất khẩu như cà rốt, bắp cải, ớt, chuối, hành, tỏi,… Hiện nay, Hải Dương còn nhiều nông sản có tiềm năng xuất khẩu được như: Hành tỏi, su hào, bí xanh, bí đỏ (sản phẩm hấp chín cấp đông, sấy khô), dưa hấu,… mong muốn được kết nối, tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh- Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình, vụ Đông cũng là vụ sản xuất chính cho bà con nông dân tại địa phương này. Với hơn 8000 ha cây vụ Đông, trong đó sản lượng ngô đạt hơn 6.000 tấn; lạc 500 tấn; khoai lang 5.100 tấn, đặc biệt là bí xanh hơn 12.600 tấn; 80.000 tấn rau ăn lá các loại. Do đó, Ninh Bình mong muốn kết nối với các kênh phân phối tìm đầu ra cho bà con nông dân. Ngoài ra, Ninh Bình cũng mong muốn kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP trên địa bàn như: gốm Bồ Bát, trà dược liệu, trà hoa vàng…
Ông Ngô Mạnh Ngọc- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nam cho biết, các sản phẩm nông sản chủ lực của Hà Nam từ nay đến Tết Nguyên đán 2022 là rau cải bắp, dưa chuột, bí xanh, bí đỏ, rau ăn lá các loại, thịt lợn, thịt gia cầm, cá nước ngọt cung cấp đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, còn khoảng 30% rau các loại, 40% quả, 50% cá, 60% thịt lợn, gia cầm của tỉnh cần cung ứng ra thị trường Hà Nội và các tỉnh. Các kênh tiêu thụ, phân phối chính hiện nay gồm: chợ dân sinh; chợ đầu mối; hệ thống siêu thị; cửa hàng giới thiệu sản phẩm; bếp ăn tập thể các khu công. Các sản phẩm của địa phương đều đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và VietGAP. Đến với diễn đàn, Hà Nam cũng mong muốn các Sở, ngành hỗ trợ kết nối, phân phối, tiêu thụ các loại nông sản: cải bắp, bí xanh, bí đỏ, cải các loại, thịt lợn, thịt gia cầm, cá nước ngọt. Cũng như đề nghị các doanh nghiệp, siêu thị, nhà hàng, hệ thống cửa hàng nông sản an toàn tại Hà Nội và các tỉnh quan tâm, kết nối thu mua nông sản thực phẩm sản xuất từ Hà Nam.
Tại diễn đàn, đại diện các Sở Nông nghiệp và Nông thôn các tỉnh Hà Nội, Nam Định, Vĩnh Phúc… cũng đã đưa ra những con số về sản lượng, chủng loại rau vụ Đông đặc trưng của địa phương mình đồng thời mong muốn kết nối, tìm đầu ra cho bà con nông dân. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đầu ra của nông sản nói chung và cây rau vụ Đông nói riêng có nhiều biến động, ảnh hưởng đến tiêu thụ của bà con.
Đẩy mạnh sơ chế, đóng gói để nông sản có chỗ đứng
Ở đầu kênh thu mua, bà Nguyễn Thị Diễm Hàng- Chủ tịch HĐQT- Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) – nhận định, nông sản của bà con nông dân hiện nay đã cải thiện được chất lượng nhưng vẫn yếu về sơ chế, đóng gói. Từ kinh nghiệm xuất khẩu và bán lẻ nhiều năm qua, bà Hằng cho rằng các địa phương cần đầu tư hơn vào sơ chế, đóng gói hoặc tốt hơn là chế biến sâu để đáp ứng được tiêu chuẩn cho các nhà mua. Các địa phương có thể nghiên cứu, xem xét để đưa các hệ thống sơ chế, đóng gói về cấp HTX, từ đó hỗ trợ nông dân trong khâu này. Khi hệ thống sơ chế, đóng gói được đầu tư, doanh nghiệp sẽ ưu tiên cho hàng hóa của các hệ thống sản xuất vừa và nhỏ cũng như các HTX, các hộ nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Còn theo ông Lê Văn Liêm – Giám đốc Khu vực miền Bắc của Saigon Co.op, hiện 90% hàng Việt được kinh doanh tại hệ thống của Saigon Co.op, với gần 1.000 điểm bán. Riêng với mặt hàng rau củ quả thì hàng Việt chiếm toàn bộ kệ hàng của Saigon Co.op. Đó cũng là cơ hội để hàng Việt thắng thế trên thị trường nội địa.
Đối với hàng nông sản, trung bình hệ thống tiêu thụ gần 500 tấn/ngày, xu hướng này ngày càng tăng lên. Riêng đối với cây vụ Đông, những năm gần đây, Saigon Co.op tập trung công tác thu mua tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng bằng hình thức khai thác trực tiếp từ vùng trồng hoặc thông qua các HTX lớn trong khu vực để cung ứng cho thị trường 3 miền. Saigon Co.op cũng có một tổng kho phân phối tại Bắc Ninh nhằm đối lưu hàng hoá giữ các vùng miền. Mỗi năm, hệ thống siêu thị cũng liên kết để tiêu thụ gần 1.000 tấn rau, củ quả như cà rốt, khoai tây, su hào, bắp cải, rau ăn lá của các tỉnh trong vụ Đông.
Kỳ vọng hợp tác với các địa phương để đưa các sản phẩm khác vào hệ thống. Ông Lê Văn Liêm cũng cho hay, để đưa hàng vào hệ thống phân phối, sản phẩm phải được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và an toàn thực phẩm, về mẫu mã, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn; sản phẩm phải được kiểm soát tiêu chuẩn từ vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ; áp dụng quy trình kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, bảo quản sau thu hoạch, sơ chế và bao gói, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc tiện lợi; có sự liên kết các vùng trồng để xác định khả năng cung ứng, thị trường tiêu thụ, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp. Saigon Co.op sẽ kết nối với các địa phương để xây dựng các điểm bán lẻ, xây dựng vùng nguyên liệu.
Ông Trần Thanh Nam- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT- nhận định: vụ Đông là vụ đặc trưng và quan trọng nhất của đồng bằng sông Hồng, chất lượng nông sản cây vụ Đông ngày càng nâng lên. Tuy nhiên, sản phẩm tươi, tiêu thụ trong một thời gian ngắn, đặt ra các vấn đề trong tiêu thụ và sơ chế, chế biến. Do đó, bên cạnh việc ký kết các biên bản ghi nhớ sẽ giữa các doanh nghiệp phân phối và sản xuất sẽ giúp đầu ra được ổn định. Ông Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh về việc cần xây dựng chương trình kết nối nông sản an toàn vụ đông tới các trang trại, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho các khu công nghiệp. Ngoài ra, cần tạo một hành lang nông sản an toàn và tiếp tục mở rộng thị trường nông sản trong nước cũng như quốc tế.
Trong khuôn khổ của diễn đàn, đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, sản phẩm OCOP và rau vụ Đông các tỉnh đồng bằng sông Hồng với chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh về việc tiêu thụ sản phẩm.
Nguồn: congthuong.vn