Ngành bán lẻ: “Gập ghềnh” trước sóng Covid-19

Trong ngắn hạn, sự phục hồi của ngành bán lẻ được dự báo sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn trước diễn biến dịch Covid-19 hiện tại. Tuy vậy, trong trung và dài hạn, ngành bán lẻ được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng tốt, bởi sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch giúp các yếu tố vĩ mô trở nên tích cực hơn.

Bán lẻ hàng lâu bền chịu tác động mạnh nhất

Trong báo cáo mới đây do Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố cho thấy những thay đổi mạnh mẽ của môi trường bên ngoài do dịch Covid-19 đã gây ra những tác động khác nhau đến hoạt động kinh doanh của ngành bán lẻ trên cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực.

Có những ngành hàng bị khủng hoảng nghiêm trọng nhưng có những ngành hàng tăng trưởng vượt bậc trong thời gian dịch bệnh. Sau khi một số tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp bán lẻ thiết yếu, thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày tiếp tục được kinh doanh, nhưng nhiều loại hình kinh doanh bán lẻ hàng lâu bền như vàng bạc đá quý, đồ điện tử, điện lạnh… đã buộc phải đóng cửa, kênh bán hàng online cũng tắc nghẽn do hạn chế giao hàng trong thời gian giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ hàng lâu bền trong khảo sát của Vietnam Report nhận định doanh số bán hàng trong làn sóng Covid-19 lần thứ tư chỉ bằng 20% – 40% so với trước đó. Nhóm hàng tiêu dùng, siêu thị cũng gặp khó khăn khi người dân tăng nhu cầu mua sắm các mặt hàng thực phẩm tươi sống nhưng đây là ngành hàng có biên lợi nhuận thấp trong các ngành hàng.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cũng cho thấy sự phân hóa về tác động của đại dịch giữa hai nhóm hàng lâu bền và tiêu dùng: 71,43% doanh nghiệp nhóm hàng lâu bền đánh giá chịu tác động nghiêm trọng và 28,57% doanh nghiệp chịu tác động nghiêm trọng vừa phải. Đối với nhóm hàng tiêu dùng, siêu thị chỉ có 16,67% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiệm trọng; 58,33% đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và 25% doanh nghiệp đánh giá tác động ít, không đáng kể.

Kết quả khảo sát các chuyên gia và doanh nghiệp của Vietnam Report cũng đã chỉ ra 4 nhóm khó khăn lớn nhất đối với ngành hàng này. Theo đó, sự thận trọng hơn trong chi tiêu của người tiêu dùng (89,47%); đứt gãy chuỗi cung ứng trong kinh doanh và khó khăn trong khâu vận chuyển (78,95%); đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng (73,68%); đáp ứng nhu cầu mua hàng trực tuyến tăng cao đột biến (57,89%).

Dè dặt hơn trong nhận định triển vọng thị trường những tháng cuối năm

Trước những khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19, nguy cơ lạm phát gia tăng, các chuyên gia cũng như doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report đã thận trọng và dè dặt hơn trong nhận định về triển vọng của ngành bán lẻ trong những tháng cuối năm so với năm trước và cũng có sự phân hóa giữa các nhóm ngành.

Theo đó, có 61,9% doanh nghiệp và chuyên gia đánh giá nhóm ngành hàng lâu bền sẽ khó khăn hơn rất nhiều, trong khi nhóm bán lẻ hàng tiêu dùng có phần tươi sáng hơn với 56,52% ý kiến cho rằng ngành bán lẻ tiêu dùng sẽ khó khăn hơn một chút, 26,09% đánh giá khó khăn hơn nhiều và có 8,70% đánh giá khả quan hơn một chút. Khoảng gần 40% doanh nghiệp bán lẻ trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng để doanh thu của ngành bán lẻ sau làn sóng Covid-19 lần thứ tư có thể phục hồi cần từ 7 đến 12 tháng, và có 20% doanh nghiệp thuộc nhóm hàng tiêu dùng nhanh lạc quan hơn, nhận định thị trường phục hồi sau khoảng 6 tháng khi mà du lịch mở cửa, người dân hoạt động nhộn nhịp trở lại.

Đánh giá về triển vọng ngành bán lẻ, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cũng nhận định, trong ngắn hạn, sự phục hồi của ngành bán lẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trước diễn biến dịch bệnh hiện tại. Tuy vậy, trong trung và dài hạn, ngành bán lẻ được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng tốt. Bởi lẽ sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch giúp các yếu tố vĩ mô trở nên tích cực hơn, trong đó bao gồm mức thu nhập của người tiêu dùng sẽ là một động lực tăng trưởng lớn cho ngành bán lẻ về dài hạn.

Đại dịch Covid-19 gây nhiều ảnh hưởng đến doanh nghiệp bán lẻ, các chính sách giãn cách xã hội đã làm thay đổi phương thức tiếp cận, bán hàng và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành từ vài năm trước đó. Câu hỏi đặt ra cho các nhà bán lẻ trước sự cạnh tranh khốc liệt là cần làm gì để chiếm lĩnh thị trường, nhất là khi có sự xuất hiện của dịch bệnh?. Ngoài yếu tố tiên quyết là lựa chọn được vị trí có mật độ dân số và sức mua tốt, sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng, cũng như sự cạnh tranh từ thương mại điện tử, yếu tố nào là chìa khóa thành công của nhà bán lẻ trong đại dịch và tương lai?.

Các chuyên gia cho rằng, trong thời kỳ bình thường mới, việc không ngừng xác định lại nhu cầu của khách hàng đồng thời nâng cao yếu tố tiện lợi, trải nghiệm mua sắm sẽ là chìa khóa thành công của các nhà bán lẻ. Để cụ thể hóa mục tiêu này, doanh nghiệp bán lẻ cần xây dựng những chiến lược hành động và nâng cao khả năng thích ứng trước bối cảnh mới. Theo đó, các doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp; cắt giảm chi phí hoạt động của cửa hàng, siêu thị; phát triển các mô hình bán lẻ mới; đa dạng hóa sản phẩm, nhà cung cấp và kiểm soát chất lượng đầu vào để đảm bảo hàng hóa cung ứng liên tục; thực hiện chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Song song với các giải pháp từ các doanh nghiệp bán lẻ, cần có các giải pháp hỗ trợ từ nhà nước như: Bổ sung chính sách hỗ trợ và quản lý thị trường kinh doanh trực tuyến; hỗ trợ kích cầu người tiêu dùng; bổ sung hỗ trợ thông qua các gói hỗ trợ tín dụng, ưu đãi đầu tư và ưu đãi thuế; hỗ trợ và tư vấn cho các doanh nghiệp bán lẻ vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi số; đẩy mạnh chương trình đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng năm 2021, bán lẻ hàng hóa vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 82,8%; lưu trú và ăn uống chiếm 8,3%; ngành du lịch chỉ chiếm 0,1% và các ngành dịch vụ khác chiếm 8,8%. Về các nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh lưu thông phân phối hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân giữa các địa phương; triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước như: tổ chức tháng khuyến mại trên toàn quốc, các chương trình bán hàng lưu động, chương trình bình ổn thị trường…; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước; đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa; tiếp tục triển khai các chương trình, Đề án và Chiến lược phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nguồn: congthuong.vn