Nỗ lực kìm đà tăng giá hàng hóa

Với đà tăng giá của xăng dầu, gas, giá nguyên liệu đầu vào của nhiều lĩnh vực sản xuất, từ thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng đến cước vận tải… khiến giá các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đồng loạt tăng giá ngay trong những tháng cuối năm này. Việc thực hiện các giải pháp kìm đà tăng giá, giữ mức lạm phát ổn dịnh đang là mục tiêu quan trọng của Chính phủ, nhiều Bộ ngành và doanh nghiệp (DN).

Áp lực tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu

Chị Nguyễn Kim Anh- Chủ tiệm tạp hóa trên đường Quang Trung – TP Thủ Đức cho biết hơn 1 tháng nay rất nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được thông báo tăng giá. Điển hình, mặt hàng dầu ăn tăng từ 5- 7% so với tháng trước. Hiện nay, dầu ăn Happy Koki chai 1 lít là 40.000 đồng tăng 4.000 đồng/chai, dầu ăn Neptune 1 lít 53.000 đồng, dầu ăn Simply 1 lít 56.000 đồng/chai, dầu ăn Tường An 1 lít là 47.000 đồng.

Với mặt hàng sữa Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A (Việt Nam) cũng vừa thông báo tăng giá bán của 10 sản phẩm (trong phạm vi 5%) từ đầu tháng 11/2021. Cụ thể sữa Pediasure hương vanila hộp 850g có giá 665.500 đồng/lon, Pediasure hương vanila hộp 1,6 kg giá 1.123.100 đồng/lon… Với mức tăng giá vài chục ngàn đồng một lon sữa nhiều người tiêu dùng cân nhắc chuyển sang các loại sữa nội có giá thấp hơn.

Một hệ thống siêu thị lớn tại TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, từ đầu tháng 10/2021 đến nay nhiều nhà sản xuất, cung ứng cũng đã gửi đề nghị tăng giá bán, trong đó tập trung vào nhóm ngành hàng thực phẩm, công nghệ, hàng tươi sống với lý do giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng.

Từ phía các DN sản xuất cung ứng hàng hóa cũng cho hay giá xăng tăng tạo áp lực rất lớn lên giá hàng hoá. Song ngay thời điểm này nhiều DN sẽ cố giữ giá bởi chi phí vận chuyển, giá nguyên liệu đều đã được DN ký hợp đồng trước, nhưng thời gian tới sẽ phải điều chỉnh giá. Nếu giá xăng vẫn tiếp tục đà tăng mạnh, về lâu dài chắc chắn sẽ phải điều chỉnh giá hàng hoá tăng lên theo.

Đại diện Saigon Co.op cho biết, một số nhà cung cấp đã liên hệ đề nghị tăng giá bán tuy nhiên phía siêu thị đã đề nghị giữ giá theo hợp đồng đã ký trước đó. Để giảm áp lực tăng giá nhất là đối với người tiêu dùng sau ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh hiện giá cả nhiều mặt hàng trong hệ thống hiện không tăng, thậm chí còn giảm so với trước do đang áp dụng chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng.

Nỗ lực kìm tăng giá hàng hóa

Các đánh giá của các chuyên gia kinh tế dự báo áp lực tăng trong thời gian còn lại của năm 2021 là rất lớn. Nguyên nhân chính là chi phí nguyên liệu đầu vào tất cả lĩnh vực, từ thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng đến chi phí vận chuyển, logistics, xăng dầu… trong nước đều tăng mạnh.

Theo ông Đỗ Quốc Huy – Giám đốc bộ phận kinh doanh Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh – SaiGon Co.op xu hướng tăng giá là tất yếu vì tất cả chi phí đầu vào từ nguyên phụ liệu nhập khẩu lẫn trong nước đều tăng vọt thời gian qua. Mặt hàng rau củ, trái cây cũng đang tăng giá nhẹ do đang vào mùa nghịch, sản lượng thấp và tỉ lệ hao hụt cao. Giải pháp cơ bản nhất để vừa hỗ trợ người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm vừa giúp nhà cung cấp, nhà phân phối bán được hàng là đẩy mạnh khuyến mãi. Hiện nay, Saigon Co.op sẽ tập trung khuyến mãi lớn, liên tục. Hy vọng sau khuyến mãi, người tiêu dùng sẽ làm quen với mặt bằng giá mới.

Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh các DN sản xuất, hệ thống phân phối hiện đã và đang lên kế hoạch cho các dịp Black Friday, Giáng sinh cũng như Tết, sẵn sàng về nguồn hàng hóa với nhiều ưu đãi hấp dẫn về giá dành cho khách hàng. Nhà cung cấp có lý do chính đáng để đề xuất tăng giá. Nhà phân phối với vai trò trung gian bán hàng đang tính toán để cân bằng lợi ích các bên, đặc biệt là không quá ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Hiện sức mua vẫn chưa bằng 6 tháng đầu năm, khách hàng chỉ tập trung mua sắm các sản phẩm thiết yếu.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thời gian tới tình hình thế giới và trong nước có thể đạt được miễn dịch cộng đồng, khiến nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ cùng với việc giá cả nhiều mặt hàng như xăng, dầu, than trên thế giới tăng mạnh sẽ tạo áp lực rất lớn lên lạm phát… Việc tăng giá các mặt hàng như xăng dầu, than… sẽ làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, khiến giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước.

Để kiểm soát lạm phát và đảm bảo nguồn cung hàng hóa, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ giá cả. Đặc biệt cần đánh giá nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn trong nước, để từ đó đưa ra được chính sách ứng phó cho phù hợp. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hoá, giảm áp lực lạm phát.

Nguồn: congthuong.vn