Nối lại chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu đón tín hiệu khả quan
Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 10 ước đạt 53,5 tỷ USD. Cán cân thương mại đã tiếp tục có thặng dư với mức xuất siêu 1,1 tỷ USD.
Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2021 ước đạt 27,3 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng năm 2021 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD).
Hoa Kỳ giữ vững vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2021 ước đạt 26,2 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 269,38 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 10 ước tính xuất siêu 1,1 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,45 tỷ USD.
Theo Bộ Công Thương, việc tận dụng cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) để khai thác thị trường mới là một trong những yếu tố thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong dịch COVID-19. Đơn cử, trong 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang 6 quốc gia thành viên đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP đều đạt mức tăng trưởng cao với 25,3 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ. Số bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) CPTPP được cấp là 34.160 bộ, trị giá đạt 1,55 tỷ USD, tăng 67,6% về lượng và 77,3% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu truyền thống như Hoa Kỳ, Nhật Bản… bắt đầu hồi phục cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu.
Ở thị trường trong nước, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc nới lỏng giãn cách xã hội nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19 ở trong nước đã giúp các hoạt động kinh tế nhộn nhịp trở lại. Đồng thời, dịch bệnh hạ nhiệt trên thế giới và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, là cơ hội để xuất khẩu phục hồi. Bên cạnh đó, những địa phương đầu tầu trong hoạt động xuất khẩu như TP. Hà Nội, TPHCM cũng thực hiện các kịch bản phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ. Nhờ đó, thời gian gần đây, kim ngạch xuất khẩu của các địa phương này liên tục được cải thiện.
Theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương: “Nếu tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, hy vọng 3 tháng cuối năm 2021 là thời điểm để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực phía nam, lấy lại đà tăng trưởng. Và nếu thuận lợi hơn nữa thì năm 2021 chúng ta vẫn có thể tiếp tục xuất siêu”.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các lợi thế từ FTA đã có hiệu lực, tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào những thị trường có thuế quan ưu đãi; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Bộ Công Thương cũng đã làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Bộ Công Thương khẳng định đang và tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu. Tuy vậy, giải pháp căn cơ để giảm thâm hụt cán cân thương mại, tiến tới xuất siêu trong thời gian tới là nhanh chóng phục hồi sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Điều kiện quan trọng là các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung công tác kiểm soát dịch, kết hợp chú trọng các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, lưu thông hàng hóa.
Nguồn: congthuong.vn