Nắm bắt cơ hội từ EVFTA, thúc đẩy xuất khẩu sang Đức

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính là “cánh cửa” để hàng hóa Việt Nam mở rộng thị phần tại thị Đức, đặc biệt, các cơ hội từ cắt giảm thuế quan, cắt giảm chi phí sản xuất, cải thiện năng lực cạnh tranh và cơ hội tiết giảm các rào cản phi thuế quan… mà EVFTA mang lại. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang Đức.

Nhiều cơ hội

Đức là thị trường xuất khẩu chính tại khu vực châu  u đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như giày dép, quần áo, rau quả, thủy sản, cà phê, đồ gỗ… Dù đa phần những sản phẩm này chỉ chiếm thị phần nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Đức, song tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Đức đang có xu hướng gia tăng, nhiều hàng hóa của Việt Nam đã có được vị thế nhất định tại thị trường này.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 5 tháng năm 2022, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 3,604 tỷ USD. Trong đó, hàng dệt, may đạt 409,394 triệu USD; giày dép các loại đạt 518,671 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 613,453 triệu USD. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Đức đạt 1,502 tỷ USD.

Trong cuốn “Sổ tay doanh nghiệp Tận dụng EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức” do Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) biên soạn, một trong những cơ hội lớn nhất mà EVFTA đem lại cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Đức chính là các cam kết ưu đãi thuế quan của EU (bao gồm Đức) trong Hiệp định này. Mặc dù trước khi EVFTA có hiệu lực, khi xuất khẩu sang Đức, Việt Nam đã được hưởng các ưu đãi thuế quan theo cơ chế GSP của EU nhưng không phải sản phẩm nào cũng được giảm thuế và đa số các mức thuế ưu đãi cũng không tốt bằng EVFTA.

Hơn nữa, GSP là cơ chế ưu đãi đơn phương, EU có thể dừng hoặc điều chỉnh các ưu đãi thuế quan và điều kiện cho hưởng ưu đãi bất cứ khi nào, trong khi đó cam kết thuế quan EVFTA là cam kết có đi có lại giữa Việt Nam và EU, có tính ổn định và có thể dự đoán trước.

Ngoài ra, mức ưu đãi thuế quan mà EU dành cho Việt Nam cũng là mức cam kết thuế quan cao nhất mà Việt Nam đạt được từ một đối tác FTA cho tới thời điểm hiện tại (tỷ lệ xóa bỏ thuế đến cuối lộ trình lên tới 99,2%, các sản phẩm còn lại cũng được hưởng hạn ngạch thuế quan). Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được đánh giá là có nhiều cơ hội nhất từ các cam kết cắt giảm thuế quan của EVFTA khi tiếp cận thị trường Đức là giày dép, quần áo, thủy sản, nhựa… do hiện tại EU (trong đó có Đức) đang duy trì các mức thuế quan MFN và GSP tương đối cao đối với các sản phẩm này.

Các chuyên gia cho rằng, EVFTA càng ý nghĩa hơn đối với xuất khẩu Việt Nam khi nhiều đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong khu vực châu Á và ASEAN ở thị trường Đức chưa có FTA với EU.

Ngoài ra, trong EVFTA, Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan cho rất nhiều hàng hóa nguyên liệu và máy móc phục vụ sản xuất trong nước nhập khẩu từ các quốc gia thành viên EU, trong đó có Đức. Đây cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên liệu, máy móc ngoại nhập để có thể mua các đầu vào này từ Đức với giá cả tốt hơn (hiện tại Việt Nam vẫn đang duy trì mức thuế quan MFN tương đối cao với nhiều loại sản phẩm này).

Trong khi đó, Đức được biết tới là nguồn cung công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới. Do đó, khi EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất chất lượng tốt nhất với giá thấp hơn nhiều so với trước kia.

Không chỉ có cơ hội từ cắt giảm thuế quan, cơ hội cắt giảm chi phí sản xuất, mà trong EVFTA còn có cơ hội khác từ việc tiết giảm các rào cản phi thuế quan. Chẳng hạn như các cam kết về các biện pháp phi thuế quan của EU (trong đó có Đức) cho hàng hóa Việt Nam như minh bạch hóa và thuận lợi hóa các thủ tục thông quan và giải phóng hàng, về miễn thủ tục thanh tra SPS đối với các cơ sở sản xuất đã đủ tiêu chuẩn của Việt Nam, về việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc công nhận tương đương các biện pháp SPS của Việt Nam, về khuyến khích công nhận kết quả đánh giá sự phù hợp về TBT của Việt Nam… sẽ giúp cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận thị trường Đức dễ dàng hơn…

Tìm hiểu cam kết thuế quan, tăng cường xuất khẩu sang Đức

Bên cạnh những cơ hội, Hiệp định EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Bởi để hưởng ưu đãi thuế quan, các sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ của Hiệp định.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nguyên liệu sản xuất và các loại sản phẩm của Việt Nam hiện vẫn đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc và một số nước châu Á khác. Vì vậy việc đáp ứng quy tắc xuất xứ EVFTA sẽ là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam để có thể tận dụng cơ hội thuế quan từ Hiệp định này.

Để tận dụng cơ hội từ EVFTA tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Đức , các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần tìm hiểu cam kết thuế quan mà EU dành cho Việt Nam tại Tiểu phụ lục 2-A-1 thuộc Chương 2 – Đối xử quốc gia và Mở cửa thị trường đối với hàng hóa của Hiệp định. Đặc biệt, để biết chính xác mức thuế quan ưu đãi mà EU (bao gồm Đức) áp dụng đối với từng mặt hàng của Việt Nam thì doanh nghiệp cần kiểm tra thuế quan ưu đãi theo EVFTA mà EU áp dụng cho Việt Nam hàng năm.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu chi tiết, cập nhật thường xuyên và đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định và thủ tục nhập khẩu của EU và Đức; nghiên cứu kỹ thị trường Đức (đặc biệt là thị trường ngách), tìm hiểu chi tiết về thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng của người dân nước này từ đó nghiên cứu cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để phù hợp với thị trường, thị hiếu người tiêu dùng nước này. Tìm hiểu các cơ chế, cách thức tiếp cận các kênh/nhà phân phối hàng hóa tại Đức, đặc biệt là các kênh thương mại điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến và trở thành xu hướng mua sắm chủ đạo của người tiêu dùng Đức.

Đặc biệt, với một thị trường khó tính như thị trường Đức, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu

Nguồn “Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương”