Phá thế bất lợi, gia tăng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản

Thị trường Nhật còn nhiều dư địa để tăng trưởng, phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn của Việt Nam như nông thủy sản, dệt may, da giày… Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt cần phải nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường này nhằm mang lại giá trị cao cho hàng hóa xuất khẩu.

Nhiều dư địa phát triển

Đánh giá tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại hội thảo “Thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc trong tình hình mới” được tổ chức mới đây, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc), thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc) của Việt Nam. Từ các số liệu thống kê về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản và quy mô thị trường tiêu dùng của nước này có thể thấy tiềm năng và các cơ hội xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn của Việt Nam như: dệt may, da giày, nông thủy sản dư địa xuất khẩu sang thị trường này còn rất lớn.

Hàng hóa Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản, các mặt hàng XK ngày càng tăng qua các năm. Hiện Nhật Bản có nhu cầu lớn về các sản phẩm trái cây tươi tại Việt Nam. Do vậy, JCCH rất mong muốn giữa 2 Chính phủ có thêm ký kết hoặc Hiệp định mới để thúc đẩy XK thêm nhiều loại trái cây tươi hơn nữa sang Nhật”- Ông Keigo Yoshida, Phó Chủ tịch JCCH.

Điển hình như kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của Nhật Bản là 23,8 tỷ USD nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản chỉ đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 12,1% thị phần; kim ngạch nhập khẩu da giày của Nhật Bản đạt 4,5 tỷ USD, nhưng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật Bản ngành này chỉ đạt 823 triệu USD, chiếm 18,2% thị phần. Đặc biệt, mặt hàng chuối tươi và sấy khô mỗi năm Nhật Bản bỏ ra tới 981 triệu USD nhập khẩu nhưng Việt Nam chỉ chiếm 0,6% thị phần, tương đương kim ngạch xuất khẩu 6,6 triệu USD…

Ông Keigo Yoshida, Giám đốc cấp cao phụ trách bộ phận sản phẩm Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM (JCCH) cho biết, hàng hóa Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản, các mặt hàng xuất khẩu ngày càng tăng qua các năm. Hiện Nhật Bản có nhu cầu lớn về các sản phẩm trái cây tươi tại Việt Nam. Do vậy, JCCH rất mong muốn giữa 2 Chính phủ có thêm ký kết hoặc Hiệp định mới để thúc đẩy xuất khẩu thêm nhiều loại trái cây tươi hơn nữa.

Nắm bắt cơ hội này, đầu năm 2023, Công ty TNHH Hoàng Phát tại Long An đã xuất khẩu chính ngạch lô nhãn đầu tiên vào Nhật Bản. Như vậy, sau thanh long, xoài và vải, quả nhãn tươi đã có mặt tại Nhật Bản. Lô nhãn 1 tấn được vận chuyển bằng đường hàng không để lên kệ tại siêu thị Nhật Bản sau 4 ngày. Sau đó, mỗi tháng Công ty TNHH Hoàng Phát tại Long An dự kiến cung ứng khoảng 70 – 100 tấn nhãn tươi bằng đường biển và đường hàng không sang thị trường này.

Gỡ bỏ những bất lợi

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM thông tin, Nhật Bản là một trong những nền kinh tế lớn và cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường Nhật Bản hiện còn khiêm tốn, chiếm lần lượt 2,7% mặc dù Việt Nam đã ký kết và thực thi với Nhật Bản các FTA.

Nguyên nhân được các doanh nghiệp cho biết, những năm trở lại đây, các tiêu chuẩn nhập khẩu của Nhật Bản ngày càng khắt khe. Chỉ riêng ngành nông thủy sản, 5 năm trở lại đây số vụ lô hàng Việt xuất khẩu sang Nhật Bản bị trả về đã tăng gần gấp đôi, từ 54 vụ năm 2018 lên 90 vụ năm 2022. Không chỉ nông thủy sản gặp khó, ngành dệt may cũng phải liên tiếp đối mặt thách thức khi không chỉ phải bền đẹp, đa dạng mẫu mã, mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn thân thiện với môi trường.

Tiêu chuẩn khắt khe, doanh nghiệp lại thiếu thông tin về nhu cầu thị trường, cách tiếp thị, đối thủ cạnh tranh… nên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản còn hạn chế. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng chưa khai thác hiệu quả các kênh phân phối, khả năng quản lý còn yếu.

Bên cạnh đó, để có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, hiện nay, thị trường Nhật Bản có tốc độ thay đổi nhanh chóng về mẫu mã sản phẩm, vòng quay sản phẩm nhanh và ngắn. Do đó, thời gian tới, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cần đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản điều tra sâu thị trường, phát triển những sản phẩm theo nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng Nhật Bản. Trong đó, các sản phẩm đa dạng, dễ dàng tuỳ chỉnh thích ứng với số lượng ít sẽ là xu thế tiêu dùng mới hiện nay. Doanh nghiệp Việt Nam cần rút ngắn hơn nữa thời gian sản xuất và đóng gói sản phẩm nhằm giảm thời gian từ khi đặt hàng đến tay người tiêu dùng Nhật Bản.

Ông Keigo Yoshida lưu ý, với các mặt hàng nông sản cần sự tươi ngon, do đó khâu vận chuyển là rất quan trọng, đây là điều doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý khi xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản nhằm mang lại giá trị cao cho hàng hóa xuất khẩu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải cạnh tranh về giá với các sản phẩm tương đồng của Trung Quốc tại thị trường Nhật Bản. Trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc có bề dày kinh nghiệm về sản xuất hàng tiêu dùng giá rẻ, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đầu tư nhà máy thời gian ngắn, tỷ lệ khấu hao tài sản cao, ít lợi thế về nhân công nên giá thành cao hơn.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/