Thêm cơ hội cho nông sản Việt sang Anh
Sau bưởi diễn và bưởi đỏ Tân Lạc, việc 7 tấn cam Cao Phong đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang Anh (5/1/2023) là tín hiệu cho thấy nông sản Việt Nam đang ngày càng có chỗ đứng và có nhiều cơ hội để xuất khẩu sang thị trường Anh.
Nhiều lợi thế nhờ UKVFTA
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu không có Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), xuất khẩu của Việt Nam sang Anh sẽ khó có mức tăng trưởng như những năm qua. Theo cam kết sau 6 năm UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xoá bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hiệp định này đã giúp nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ các nước chưa có FTA với Anh. Cùng với đó, việc các doanh nghiệp chuyển đổi tư duy và gia tăng năng lực về công nghệ trong sản xuất, thương mại… cũng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường này.
Đáng chú ý, dư địa để thúc đẩy giao thương nông sản của hai nước còn rất lớn. Theo thống kê, hiện xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Anh chỉ chiếm hơn 1% tổng giá trị nhập khẩu lương thực, thực phẩm của Anh. Ở chiều ngược lại, nông sản của Anh vào Việt Nam cũng chiếm chưa tới 1% tổng giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng của thị trường Anh là rất lớn.
Thời gian qua, Anh đã đẩy mạnh nhập khẩu nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam trong đó có sản phẩm bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc và mới đây nhất là cam Cao Phong. Để có thể tiến vào thị trường Anh, sản phẩm cam Cao Phong đã phải đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ. Bước đầu, loại trái cây này đã nhận được những phản hồi tích cực từ người tiêu dùng sở tại.
Theo ông Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, sau 8 năm được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, hiện sản phẩm cam Cao Phong đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng, có vị thế tại thị trường trong nước. Quan trọng hơn, sau thời gian hợp tác hiệu quả giữa Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh với các cơ quan chuyên môn của huyện cũng như các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh, sản phẩm cam Cao Phong đã có cơ hội vươn ra thị trường thế giới. Trong các mẫu phân tích cam được tiến hành trước khi xuất khẩu cho thấy, tất cả đều không phát hiện hoạt chất nào trong gần 900 hoạt chất thuốc BVTV bắt buộc phải phân tích theo tiêu chuẩn châu Âu. Những kiện hàng mẫu gửi sang thị trường Anh cũng được thông quan không gặp bất cứ vấn đề gì về an toàn thực phẩm (ATTP), nguồn gốc, xuất xứ.
Việc lần đầu tiên một số loại trái cây đặc sản của Việt Nam như cam và bưởi hiện diện tại thị trường Anh cho thấy bước tiến vượt bậc của các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản. Đây cũng là cơ sở cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của nước ta xây dựng chiến lược phù hợp, từ đó có thể đưa nhiều sản phẩm nông sản tới các thị trường có tính cạnh tranh cao.
Xây dựng lợi thế cạnh tranh
Trong chuyến công tác và làm việc với Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Liên hiệp Vương quốc Anh mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã đề nghị Vương quốc Anh mở cửa 4 loại hình nông sản chính của Việt Nam gồm: sản phẩm đặc trưng, đặc hữu từ nước nhiệt đới; các sản phẩm có nguồn gốc động vật; các sản phẩm có nguồn gốc thủy sản và các sản phẩm gỗ.
Tuy tiềm năng để xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Anh là rất lớn nhưng đồng thời Anh cũng là thị trường có yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm… đối với hàng nông sản, đặc biệt là hàng từ các nước đang phát triển. Để mở rộng thị phần bền vững tại Anh, bên cạnh các đối thủ cạnh tranh mạnh đến từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nam Phi và Ấn Độ, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ chịu sự cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp của Anh. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể tiếp cận thị trường này khi và chỉ khi thực hành sản xuất theo Global GAP hay Euro GAP và các áp dụng các quy chuẩn quản trị quốc tế như ISO, SA và ILO.
Ngoài ra, để thâm nhập sâu hơn vào thị trường Anh, doanh nghiệp Việt Nam phải có khả năng đảm bảo nguồn cung ổn định cả về số lượng và chất lượng để phát triển quan hệ hợp tác bền vững với các đối tác của Anh. Đồng thời, bên cạnh việc doanh nghiệp cần nhanh chóng tận dụng tốt các ưu đãi từ UKVFTA, doanh nghiệp cũng cần xây dựng được lợi thế cạnh tranh nếu sản phẩm đáp ứng được yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn Anh và phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Anh.
Anh cũng là quốc gia rất quan tâm đến vấn đề lao động và môi trường nên doanh nghiệp phải minh bạch trong quy trình sản xuất, chủ động được công nghệ bảo quản và vận chuyển; sử dụng tốt chính sách tín dụng ưu đãi và dịch vụ đánh giá, xác minh tín nhiệm của khách hàng của các ngân hàng Anh.
Riêng đối với mặt hàng cà phê, các chuyên gia cho hay, thị trường Anh có tính cạnh tranh rất cao với nguồn hàng nhập khẩu từ nhiều nước. Vì thế, để xuất khẩu cà phê sang Anh ổn định, ngành cà phê Việt Nam cần đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường này. Bên cạnh đó, sản phẩm phải phù hợp với thị hiếu tiêu dùng Anh.
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/