Thêm khó khăn cho nông sản Việt vào thị trường Trung Quốc

Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc áp dụng một số chính sách mới khắt khe hơn đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu từ Việt Nam… Nông sản Việt vào thị trường Trung Quốc thêm khó khăn.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 8/2021 xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh. Do Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu thanh long tại các cửa khẩu Hà Khẩu và Thiên Bảo, thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), làm thanh long trong nước giảm giá mạnh. Nguyên nhân phía Trung Quốc đưa ra là do hàng hóa Việt Nam bị nghi nhiễm SARS-CoV-2.

Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2021, xu hướng xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc giảm tốc nhanh nhất so với các thị trường khác, trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc đạt 1,4 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Tới đây, quốc gia này sẽ áp dụng một số chính sách mới khắt khe hơn đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” (Lệnh 249) và “Quy định về đăng ký và quản lý DN sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” (Lệnh 248). Những lệnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Đề cập đến vấn đề này, tại cuộc họp báo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) diễn ra ngày 5/10, ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) – cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về hai lệnh mới này, Văn phòng SPS đã triển khai đến các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật của Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và Bộ Công Thương. Theo đó, ngày 21/9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã giao Văn phòng SPS phối hợp với các bộ, ngành triển khai các hướng dẫn thực thi lệnh này.

Đến ngày 28/9, Văn phòng SPS đã hoàn thiện dự thảo 20 trang liên quan đến 5 nhóm thay đổi lớn theo lệnh trên. Trong đó bao gồm kiểm soát các doanh nghiệp nhập khẩu, kiểm soát các thủ tục về hồ sơ nhập khẩu, các quy định về đánh giá rủi ro khi tham gia nhập khẩu của các nước cũng như nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc. Đến hết ngày 5/10, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được các ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan, trên cơ sở đó sẽ tổng hợp và trình lãnh đạo bộ ban hành.

Thông tin thêm về các giải pháp tổng thể, dài hạn, ông Ngô Xuân Nam cho biết, Văn phòng SPS Việt Nam đã chủ động trình lãnh đạo Bộ NN&PTNT, trình Thủ tướng về việc xây dựng đề án nâng cao năng lực thực thi các cam kết về SPS (các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch, động thực vật) khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Dự kiến cuối năm 2021, Bộ NN&PTNT sẽ trình Thủ tướng ban hành đề án này. Qua đó để các doanh nghiệp thích ứng được với sự thay đổi các biện pháp SPS của các thị trường, góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông – lâm – thủy sản của Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đã có 9 loại trái cây tươi được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc bao gồm: Xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và măng cụt.

Nguồn: congthuong.vn