Thúc đẩy xuất khẩu nông sản vào Thổ Nhĩ Kỳ
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, xuất khẩu nông sản đang có những điểm sáng nhất định. Trong đó, các số liệu thống kê cho thấy, thị trường Thổ Nhĩ Kỳ đang đón nhận rất tích cực các sản phẩm của Việt Nam như hạt điều, hạt tiêu, cao su, gạo, cà phê,…
Trong Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thuỷ sản, sản phẩm chăn nuôi khu vực Nam bộ và Tây Nguyên 2021 diễn ra cuối tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh cần phải thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này tới các thị trường mới bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang nổi lên như một thị trường tiềm năng đối với các sản phẩm nông sản của Việt Nam.
Tình hình xuất khẩu khả quan
Theo số liệu từ Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ (TUIK), nửa đầu năm 2021, tổng lượng nhập khẩu hạt điều đã bóc vỏ (HS 08.01.32.00) vào Thổ Nhĩ Kỳ là 4.915 tấn, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt kim ngạch lên xấp xỉ hơn 17,58 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Việt Nam vẫn dẫn đầu, chiếm xấp xỉ 94% thị phần kim ngạch xuất khẩu điều vào Thổ Nhĩ Kỳ trong 6 tháng đầu năm nay với 4.607,82 tấn, đạt 16,47 triệu USD, tăng tới 52,8% về sản lượng. Nguyên nhân có thể do đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục có các biện pháp giãn cách xã hội cùng với việc người dân dần thay đổi thói quen ở nhà nhiều hơn khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm hạt như hạt điều tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
Giá điều xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng gần đây có xu hướng giảm so với đầu năm nay đã phần nào giúp đẩy mạnh lượng điều xuất khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm lĩnh gần như phần lớn thị phần nhập khẩu của quốc gia này trong 6 tháng đầu năm, mặc dù chi phí vận vận chuyển đường biển đang ngày càng cao, cùng với việc tiếp tục khan hiếm container và các chi phí phòng dịch phát sinh đi kèm trong thời gian xảy ra đại dịch.
Một sản phẩm thế mạnh khác của Việt Nam tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ là hạt tiêu cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Nửa đầu năm 2021, Thổ Nhĩ Kỳ tổng cộng nhập khẩu 3.764,1 tấn hạt tiêu đen ) trị giá hơn 7,21 triệu USD, tăng 9,4% về lượng và 13,6% về giá trị. Trong đó, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí quốc gia có lượng xuất khẩu lớn nhất về mặt hàng này vào Thổ Nhĩ Kỳ với 2.236,3 tấn, đạt kim ngạch hơn 4,32 triệu USD, tăng mạnh cả về lượng lẫn giá trị (27,6% về lượng và 37,1% về giá trị), chiếm gần 60% thị phần giá trị xuất khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ trong 6 tháng 2021.
Trong khi đó, đối thủ của Việt Nam là Brazil trong 6 tháng đầu năm đã xuất khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ tổng cộng 1.077 tấn hạt tiêu với kim ngạch 2,46 triệu USD, giảm 17,2% về lượng và 1,2% về giá trị. Điều này cho thấy, xu hướng tăng nhập khẩu tiêu vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục được giữ vững trong giai đoạn này tuy có sự chuyển dịch nhẹ về thị trường nhập khẩu.
Bên cạnh đó, một mặt hàng đang được hưởng nhiều lợi thế của Việt Nam tại thị trường này là cao su thiên nhiên. Việt Nam hiện xếp vị trí thứ 4 về kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su tự nhiên khi chiếm 11,7% thị phần xuất khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cho thấy, các nhà nhập khẩu cao su của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã dần chú trọng hơn đến sản phẩm này của Việt Nam thay vì tập trung nhiều vào Indonesia hay Thái Lan với nguyên nhân chính là do giá cả và chất lượng sản phẩm của cao su Việt Nam đang dần có ưu thế cạnh tranh với các đối thủ khác.
Ngoài ra, một số mặt hàng của Việt Nam đang có thế mạnh hoặc có cơ hội để thâm nhập vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ như là cà phê, gạo, chè, thuỷ sản,…
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Tuy nhiên, theo Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, đến thời điểm này nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chỉ tập trung vào cạnh tranh về giá nhằm giành đơn hàng, dẫn đến tình trạng bị các doanh nghiệp nhập khẩu lợi dụng những biến động về giá thế giới để chèn ép, bắt bí và trục lợi, chẳng hạn như tình trạng ép buộc giảm giá khi giá giảm…
Đối với mặt hàng hạt tiêu, một phần hạt tiêu Việt Nam xuất khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ sẽ theo con đường tạm nhập tái xuất qua một số quốc gia khác như châu Âu và một số quốc gia láng giềng khác nhằm phục vụ mục đích chế biến và tiêu dùng tại các quốc gia này.
Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ khuyến cáo, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại địa bàn, tham quan và triển lãm tại các hội chợ lớn về ngành thực phẩm tại Thổ Nhĩ Kỳ như Hội chợ WorldFood Istanbul, Sirha Istanbul nhằm gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp phân phối, chế biến điều của Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ động tiếp xúc và quảng bá sản phẩm điều Việt Nam đến các doanh nghiệp chế biến, đóng gói và phân phối mặt hàng hạt điều tại Thổ Nhĩ Kỳ như Tadim Gida, Peyman Gida…
Ngoài ra, Việt Nam cần sớm quảng bá sản phẩm có chỉ dẫn địa lý đối với mặt hàng điều (cụ thể là điều Bình Phước) để tạo sự khác biệt, nổi trội về chất lượng so với các sản phẩm khác và có cơ hội đưa vào bán tại hệ thống phân phối lớn của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nguồn: congthuong.vn