Vì sao UAE cấm xuất khẩu gạo trong 4 tháng?

Kể từ ngày 28/7, Bộ Kinh tế của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã áp đặt lệnh tạm ngừng xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo trong 4 tháng.

Bước đi này nhằm đảm bảo cung cấp đủ gạo tại thị trường trong nước, sau lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ do thiếu hụt sản xuất.

Vậy điều gì sẽ xảy ra với các công ty muốn xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu gạo từ UAE? UAE lấp đầy khoảng trống nguồn cung gạo trong nước như thế nào? Các điểm đến chính của gạo tái xuất khẩu từ UAE là Oman, Benin ở Tây Phi, Zimbabwe, Mỹ và Somalia. UAE chủ yếu nhập khẩu gạo chủ yếu từ Ấn Độ, Pakistan, Việt Nam và Thái Lan.

Theo Bộ Kinh tế UAE, việc tạm ngừng xuất khẩu nhằm đảm bảo duy trì đủ nguồn cung tại thị trường nội địa, sau lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ. Lệnh cấm kéo dài trong 4 tháng, áp dụng cho tất cả gạo có nguồn gốc từ Ấn Độ nhập khẩu vào nước này sau ngày 20/7/2023. Các loại gạo bị cấm bao gồm gạo xay (kể cả gạo lức), gạo xay xát toàn bộ hoặc một phần, gạo đã đánh bóng và nghiền.

Những quy tắc này áp dụng cho tất cả các sản phẩm gạo, bao gồm cả những sản phẩm trong khu vực tự do. Lệnh cấm có thể được tự động gia hạn trừ khi quyết định hủy bỏ được công bố. Các công ty muốn xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu gạo từ Ấn Độ hoặc nơi khác phải gửi yêu cầu tới Bộ Kinh tế UAE để xin giấy phép kèm theo tất cả các tài liệu giúp xác minh dữ liệu liên quan đến lô hàng gạo, đặc biệt là nguồn gốc xuất xứ.

Giấy phép có thời hạn 30 ngày kể từ ngày cấp và phải nộp cho cơ quan hải quan để làm thủ tục. Thương nhân có thể trực tiếp đến trụ sở của Bộ Kinh tế UAE hoặc gửi yêu cầu bằng phương thức điện tử thông qua trang web của Bộ (e.economy@antidestination).

Các nhà bán lẻ UAE dự đoán giá gạo tại thị trường nội địa sẽ tăng 40%. Nhưng họ cũng tin rằng vấn đề chỉ là tạm thời và sẽ sớm được giải quyết khi các nhà cung cấp mới tham gia thị trường. Ấn Độ là nguồn nhập khẩu gạo chính của UAE nhưng Việt Nam, Thái Lan và Pakistan dự kiến sẽ lấp đầy khoảng trống nguồn cung gạo non-basmati. Họ cho rằng việc cấm xuất khẩu gạo chỉ là một động thái tạm thời vì giá sẽ ổn định và tình hình sẽ bình thường hóa và nguồn cung sẽ trở lại bình thường.

Ấn Độ chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu của thế giới, tương đương 55,4 triệu tấn vào năm 2022. Ấn Độ xuất khẩu gạo sang hơn 140 quốc gia, bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Benin, Bangladesh, Angola, Cameroon, Djibouti, Guinea, Bờ Biển Ngà, Kenya, Nepal và Ả Rập Xê út.

Lệnh cấm được kích hoạt bởi sự xuất hiện muộn của gió mùa dẫn đến lượng mưa thiếu hụt lớn cho đến giữa tháng 6. Và trong khi những trận mưa lớn kể từ tuần cuối cùng của tháng 6 đã xóa bỏ sự thiếu hụt, chúng đã gây ra thiệt hại đáng kể cho mùa màng, đặc biệt là lúa gạo ở Ấn Độ.

Nguồn: https://congthuong.vn/