Xuất khẩu thủy sản sang UAE còn nhiều dư địa

Mỗi năm Việt Nam XK khoảng 22-24 nghìn tấn thủy sản sang các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), trong khi đó nước này nhập khẩu 250 nghìn tấn thủy sản mỗi năm, cho thấy dư địa rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam từ thị trường này.

Dư địa lớn

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, UAE nhập khẩu khoảng 250 nghìn tấn thủy sản/năm, trị giá 750 – 800 triệu USD. Top 4 nước cung cấp hàng đầu gồm Ấn Độ, Thái Lan, Na Uy và Việt Nam. Ấn Độ có thị phần chi phối 20%-24% với mặt hàng chủ lực là tôm đông lạnh, trong khi Việt Nam dao động từ 6% -9% với mặt hàng chính là cá tra phile đông lạnh.

Mỗi năm Việt Nam XK khoảng 22-24 nghìn tấn thủy sản sang UAE, với giá trị dao động từ 50-70 triệu USD, cho thấy dư địa còn nhiều tại thị trường tiềm năng này. Riêng với sản phẩm cá phile đông lạnh mã HS0304, Việt Nam đứng đầu nhờ sản phẩm cá tra XK, chiếm 40%-50% thị phần tại UAE.

Tuy nhiên, với mặt hàng tôm thì Việt Nam đứng thứ 5, đang phải cạnh tranh với Ấn Độ và Ecuador. Ấn Độ chiếm gần 60%-70% thị phần, Ecuador mới thâm nhập thị trường vài năm gần đây với 15% thị phần, trong khi Việt Nam chỉ chiếm 5%-7%.

Các mặt hàng thủy sản NK nhiều nhất vào UAE là tôm thẻ chân trắng và tôm sú đông lạnh, cá ngừ chế biến/bảo quản, cá ngừ vằn và cá ngừ Đại Tây Dương, cá hồi Đại Tây Dương tươi/ướp lạnh và cá hồi sông Danube và cá khác đông lạnh, trong đó có cá tra…

Cùng xu hướng và bối cảnh chung của thị trường thế giới, nửa đầu năm 2023, XK thủy sản Việt Nam sang UAE giảm trên 50% đạt hơn 17 triệu USD. Trong đó, XK cá tra, tôm sú đều giảm trên 50%, tôm chân trắng giảm 73%…

UAE là nhà nhập khẩu ròng thủy hải sản và quốc gia này nhập khẩu tới 90% lượng thực phẩm tiêu thụ.

Dân số ngày càng tăng, thu nhập cao, tốc độ đô thị hóa nhanh, thu nhập khả dụng tăng và giới trẻ ưa chuộng protein thủy hải sản cùng với các chuyến du lịch dự báo sẽ thúc đẩy tiêu thụ thủy hải sản ngày càng tăng.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), UAE tiêu thụ hơn 220.000 tấn thủy sản mỗi năm và có mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người là 28,6 kg/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu.

Tín hiệu tích cực từ thị trường UAE

Theo phân tích của bà Lê Hằng, triển vọng kinh tế của UAE vẫn tích cực, với dự báo GDP tăng trưởng 3,6% vào năm 2023. Bất chấp những phân nhánh địa chính trị mà nền kinh tế toàn cầu hiện đang phải đối mặt, nền kinh tế UAE đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng, phục hồi và thịnh vượng mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm nay. Thành tích kinh tế thành công đã dẫn đến việc UAE được vinh danh là nền kinh tế lớn trên thế giới- nền kinh tế định hướng đổi mới. Những tín hiệu này sẽ là hy vọng cho các doanh nghiệp XK đang gặp khó tại các thị trường lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc.

Tiến bộ của UAE trong việc triển khai các hiệp định đối tác kinh tế toàn diện sẽ giúp cải thiện thương mại và hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, là những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Hiện nay UAE đã ký hiệp định thương mại tự do FTA với nhiều nước, trong đó có Ấn Độ, Malaysia, Singapore, New Zealand… Ấn Độ dường như đã tận dụng tốt lợi thế thuế quan tại thị trường này để gia tăng thị phần trong những năm qua.

Các sản phẩm cá tra, cá ngừ và cá biển khác nhập khẩu vào UAE là những sản phẩm chủ lực, đang bị áp mức thuế 5%. Các doanh nghiệp kỳ vọng, các nước sẽ rộng mở hơn với các sản phẩm thủy sản XK của Việt Nam vào thị trường này nếu Việt Nam thỏa thuận được mức thuế nhập khẩu thủy sản vào UAE về 0% sau khi ký kết hiệp định FTA song phương với UAE.

Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề thuế quan thì khó khăn nhất của doanh nghiệp XK thủy sản vào UAE là các yêu cầu của nhà nhập khẩu liên quan đến chứng nhận Halal. Nếu vấn đề này được các bộ ngành quan tâm cùng doanh nghiệp khắc phục, thủy sản Việt không chỉ chinh phục được thị trường UAE mà cả khu vực Trung Đông tiềm năng.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/