Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường là cần thiết

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với đồ uống có đường trở thành vấn đề cấp bách.

Giữ nguyên đề xuất bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế

Bộ Tài chính vừa có báo cáo tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp sau khi tổng hợp ý kiến đóng góp vào dự án Luật.

Bộ Tài chính cho biết, đến ngày 11/4/2023, có 100 văn bản tham gia ý kiến cho dự thảo Luật đến từ 16 bộ, 5 cơ quan thuộc Chính phủ, 49 địa phương, 3 tổ chức quốc tế, 1 đại sứ quán, 2 tổ chức phi chính phủ quốc tế, 25 Hiệp hội, doanh nghiệp. Trong đó, có 35 đơn vị hoàn toàn nhất trí, 65 đơn vị cơ bản nhất trí và có một số ý kiến cụ thể.

Liên quan đến vấn đề đề xuất bổ sung mặt hàng đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế nêu tại dự thảo Luật, Bộ Tài chính cho biết, có 74 ý kiến nhất trí và có 26 ý kiến khác. Trong đó, Hội Lương thực, Thực phẩm TPHCM; Hiệp hội Sữa; Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam; Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng; Cục Thuế TP. Cần Thơ; Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) đề nghị chưa đưa mặt hàng đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị loại trừ sữa và sản phẩm từ sữa, đồ uống có giá trị dinh dưỡng; cân nhắc áp dụng biện pháp hạn chế tiêu dùng đối với một số đồ uống có hàm lượng đường cao; quy định khái niệm “đồ uống có đường” tại Luật.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, việc bổ sung thu thuế TTĐB đối với đồ uống có đường là thực hiện theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đã nêu tại các Nghị quyết số 07-NQ/TƯ, Nghị quyết số 20-NQ/TƯ, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Tác hại của mặt hàng đồ uống có đường đến sức khỏe con người cả về thể chất và tinh thần đã được các Tổ chức quốc tế về y tế, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và Bộ Y tế Việt Nam đưa ra tài liệu chứng minh. Các tổ chức này đều khuyến nghị áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường sẽ là giải pháp góp phần giảm tiêu dùng sản phẩm này.

Dẫn số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Tài chính cho biết hiện đã có khoảng 85 quốc gia trên thế giới áp dụng thuế đối với đồ uống có đường và việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường đã mang lại hiệu quả.

Theo thông tin của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tại Việt Nam, tỷ lệ hộ gia đình tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng từ 56,22% năm 2010 lên 69,76% năm 2016 và tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt bình quân đầu người năm 2013 là 47,65 lít/người tăng lên 70,56 lít/người năm 2020.

Với những căn cứ nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên đề xuất bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường là vấn đề cấp bách

Về đề nghị loại trừ sữa và sản phẩm từ sữa, cân nhắc áp dụng biện pháp hạn chế tiêu dùng đối với một số đồ uống có hàm lượng đường cao, quy định khái niệm “đồ uống có đường” tại Luật, Bộ Tài chính thông tin, theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 12828:2019, nước giải khát bao gồm nước giải khát có ga, nước uống tăng lực, nước uống điện giải, nước uống thể thao, nước giải khát có chứa chè, nước giải khát có chứa cà phê, và nước giai khát có chứa nước trái cây.

Theo Bộ Tài chính, sữa và các sản phẩm từ sữa cũng là một loại đồ uống có đường nhưng không phải là nước giải khát theo TCVN 12828:2019 và là hàng hóa phục vụ cho mục đích dinh dưỡng cho sức khỏe con người.

Để tránh trường hợp DN tiếp tục có kiến nghị đối với mặt hàng này, Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến theo hướng sửa cụm từ “đồ uống có đường” thành “nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam” vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Theo đó, sẽ loại trừ một số mặt hàng không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB như: sữa; thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng; nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai, nước rau, quả và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ cacao.

Bên cạnh đó, để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu loại nước giải khát có hàm lượng thấp, tham khảo kinh nghiệm của các nước, Bộ Tài chính cho biết, sẽ nghiên cứu quy định cụ thể mức thuế suất thuế TTĐB đối với nước giải khát theo hàm lượng đường nhất định sau khi dự án Luật được đăng ký vào Chương trình xây dựng Luật của Quốc hội.

Về vấn đề đánh thuế TTĐB đối với đồ uống có đường, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, hiện, mức tiêu thụ đồ uống có đường tính theo đầu người tại Việt Nam tăng nhanh. Theo Bộ Y tế, có bằng chứng gần đây cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ đồ uống có đường với bệnh không lây nhiễm, gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong. Đây cũng một trong những nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì với cả trẻ em và người lớn.

Do vậy, tôi cho rằng, cần phải điều chỉnh thói quen, nâng cao nhận thức về tiêu dùng đồ uống có đường, giảm thiểu sự tổn thất kinh tế do tăng cân và béo phì và việc phát sinh các bệnh có liên quan, qua đó giảm gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong, đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh, hài hòa, bền vững của các thế hệ tương lai của đất nước. Theo đó, đề xuất đánh thuế TTĐB với đồ uống có đường của Bộ Tài chính là hoàn toàn hợp lý.

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, có ba biện pháp cơ bản nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi các sản phẩm có hại cho sức khỏe nói chung, trong đó bao gồm đồ uống có đường là chính sách bắt buộc công bố nhãn dinh dưỡng, nhãn cảnh báo sức khỏe… trên bao bì sản phẩm; chính sách kiểm soát quảng cáo các sản phẩm; chính sách thuế TTĐB.

“Tôi cho rằng việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường trở thành vấn đề cấp bách. Việc xem xét, chỉnh sửa và đề nghị Quốc hội phê duyệt Luật thuế TTĐB với đồ uống có đường có thể thực hiện ngay trong năm 2023 để góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/