Dòng tiền bắt đầu quay trở lại thị trường

Lãi suất điều hành giảm đã tác động tích cực đến tâm lý thị trường, thể hiện qua sự cải thiện của thanh khoản trên thị trường.

Trong báo cáo vừa công bố, Công ty chứng khoán Rồng Việt chỉ ra rằng, trong tuần đầu tháng 6, giá trị khớp lệnh đã đạt gần 70 nghìn tỷ, cải thiện so với mức bình quân tuần của tháng 4 và tháng 5/2023 là 46 nghìn tỷ, so với mức bình quân tuần của quý 1/2023 là 38 nghìn tỷ. Xét trong tương quan với mặt bằng lãi suất, mức thanh khoản và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hiện nay có phần tương đồng với giai đoạn đầu quý 4/2022. Tuy nhiên, dòng tiền còn tập trung ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, do đó, VN-Index chưa thực sự bứt phá về mặt điểm số.

Theo các chuyên gia của Rồng Việt, thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã và đang sử dụng gần như tất cả các công cụ để hỗ trợ môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện tại, bối cảnh vĩ mô liên quan tới lạm phát, lãi suất và tỷ giá đang khá lành mạnh. Tuy nhiên, các động lực cho tăng trưởng kinh tế vẫn còn tương đối yếu và chưa ghi nhận biến chuyển tích cực nào rõ rệt.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm đạt 262,5 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước trong khi PMI tháng 5 của Việt Nam tiếp tục ở dưới mốc 50 điểm, cho thấy triển vọng đơn đặt hàng xuất khẩu mới vẫn còn khá ảm đạm.

Trong khi đó, cầu tín dụng vẫn còn tương đối yếu. Trong phiên họp thường kỳ tháng 5, NHNN cho biết tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 5 chỉ đạt 3,17% so với cuối năm 2022, tương đương mức tăng gần 10% so với cùng kỳ (so với mức 17% vào cuối tháng 5/2022). Trong đó, tăng trưởng chỉ đạt khoảng 35% hạn mức đầu năm đối với các Ngân hàng thương mại Nhà nước và 50% đối với Ngân hàng thương mại cổ phần.

Báo cáo của SSI Research chỉ ra rằng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu với 3 nguyên nhân chính: đầu ra tiêu thụ sản phẩm của DN sản xuất gặp khó khăn khiến nhu cầu vay vốn giảm, tình hình tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa suy yếu dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản bị giảm sút nhu cầu do nhiều dự án gặp khó khăn pháp lý. Nhìn chung, thông điệp của NHNN vẫn là nỗ lực hạ nhiệt mặt bằng lãi suất thực tế trên thị trường.

Các chuyên gia của Rồng Việt cho rằng, thời điểm hiện tại vẫn còn quá sớm để nói rằng nền tăng trưởng kinh tế đã đi qua vùng trũng. Thị trường chứng khoán nhiều khả năng tiếp tục xu hướng chính là đi ngang đến khi có các tín hiệu rõ ràng hơn về sự “hấp thụ” của những chính sách hỗ trợ lên nền kinh tế như thị trường bất động sản, trái phiếu được cải thiện, kéo theo tăng trưởng tín dụng và bức tranh lạm phát thế giới dần hạ nhiệt, cùng sự phục hồi của sức mua và dòng thương mại của Việt Nam.

Về chiến lược đầu tư trong tháng 6, các chuyên gia của Rồng Việt cũng cho rằng, tháng 6 là cơ hội để tái cơ cấu danh mục, đặc biệt cho những nhà đầu tư đã vô tình “đầu tư dài hạn”.

Bên cạnh đó, giao dịch T+ sẽ tiếp tục diễn ra sôi động nhờ thanh khoản gia tăng giúp tâm lý nhà đầu tư có phần lạc quan hơn so với quý đầu năm. Nhà đầu tư có thể tận dụng cổ phiếu có sẵn trong danh mục để thực hiện giao dịch T+ nhằm tối ưu hiệu suất đầu tư của danh mục tổng thể.

Ngoài ra, trên nền tăng trưởng kinh tế yếu của quý 1/2023, câu chuyện phục hồi từ vùng trũng lợi nhuận sẽ được quan tâm khi mà các doanh nghiệp đang vào tháng kinh doanh cuối cùng của quý 2/2023. Với chỉ số sản xuất công nghiệp và PMI không khả quan, các chuyên gia của Rồng Việt không kỳ vọng sự bứt phá bất ngờ về tăng trưởng lợi nhuận trong quý 2 của doanh nghiệp, song với các doanh nghiệp đi qua vùng trũng trong quý 1 mà vẫn có lợi nhuận dương thì có thể sẽ tiếp tục có quý 2 khả quan hơn mặt bằng chung, điển hình ở một số nhóm ngành, như: Điện (HND, QTP), Ngân hàng (ACB, MBB), dệt may (STK), dầu khí (PVD), và hàng không (ACV).

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/