Nguồn cung hàng hóa trong nước đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất
6 tháng đầu năm 2022, mặc dù thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động của thị trường thế giới, nhưng nguồn cung hàng hóa nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân và doanh nghiệp.
Hàng hóa dồi dào, sức mua có xu hướng tăng
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022 của Bộ Công Thương cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, lưu thông hàng hóa trên thị trường không còn chịu tác động quá lớn của dịch bệnh Covid-19. Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022 có sự tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm khá cao và đang dần bắt kịp tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 27,3% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 6,6%).
Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.717 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,9% (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,9%), trong đó quý II/2022 đạt 1.395,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với quý trước và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, do đang vào mùa cao điểm của hoạt động du lịch nên doanh thu du lịch có mức tăng ấn tượng, tăng 94,4%, kéo theo mức tăng nhanh của doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, tăng 20,9%; trong khi đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác tăng 5,6%.
Bộ Công Thương nhận định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022 có sự tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước, hàng hóa dồi dào, sức mua có xu hướng tăng. Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa đã đạt được mức tăng trưởng khá tốt, tăng 11,3% với sự gia tăng của các nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục, lương thực, thực phẩm (tăng từ 13,7-16,3%); nhóm du lịch lữ hành và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng trưởng mạnh sau thời gian giảm vì dịch bệnh Co0vid-19 và nhu cầu du lịch của người dân tăng cao vào dịp nghỉ hè.
Sử dụng hiệu quả công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Tuy nhiên, giá hàng hóa chịu ảnh hưởng của mặt bằng giá hàng hóa trên thị trường thế giới nên có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng như xăng dầu tăng khá cao.
Để bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính sử dụng hiệu quả công cụ Quỹ bình ổn giá để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước so với mức tăng của giá thế giới.
Trong công tác điều hành giá xăng dầu trong nước thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát, trong công tác điều hành giá xăng dầu thời gian vừa qua, Liên Bộ Công Thương – Tài Chính đã chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (với mức chi từ 100 – 1.500 đồng/lít tùy loại) nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới. Giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 21/6/2022 so với đầu năm 2022 (ngày 11/01/2022) biến động tăng từ 44,30% đến 91,47% nhưng giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 21/6/2022 so với đầu năm 2022 (ngày 11/01/2022) chỉ tăng từ 26,73-67,96%.
Ngoài ra, nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, số dư Quỹ BOG xăng dầu ở mức thấp do liên tục chi Quỹ, Bộ Tài chính đã rà soát và trình các cấp có thẩm quyền giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu theo quy định. Ngày 23 tháng 3 năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, cụ thể: giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn và giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa, thời gian thực hiện từ ngày 1 tháng 4 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.
Hiện giá xăng dầu vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, trong bối cảnh công cụ Quỹ BOG không còn nhiều dư địa (số dư Quỹ BOG đang ở mức thấp, số dư Quỹ BOG tại nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang ở mức âm), việc giảm thuế bảo vệ môi trường như hiện nay chưa đủ để kìm giá xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc tham gia ý kiến dự án Nghị Quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, theo đó Bộ Công Thương thống nhất với mức giảm hết khung thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, mỡ nhờn như tại Dự thảo Nghị quyết nhằm hỗ trợ giảm giá các mặt hàng xăng dầu hiện đang ở mức cao như hiện nay, cụ thể: giảm thuế bảo vệ môi trường về mức đối với xăng (trừ etanol) là 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 1.000 đồng/lít; dầu diesel là 500 đồng/lít; dầu hỏa là 300 đồng/lít; dầu mazut là 300 đồng/kg; dầu nhờn là 300 đồng/lít và mỡ nhờn là 300 đồng/kg.
Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ ngành tiếp tục rà soát, đề xuất giảm thêm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng để giảm giá mặt hàng xăng dầu trong nước, hỗ trợ cho đời sống của nhân dân, doanh nghiệp, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và đảm bảo mục tiêu thực hiện chương trình phục hồi kinh tế – xã hội sau đại dịch của Chính phủ.
Bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước trong mọi tình huống
Về nguồn cung xăng dầu trong nước, theo Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2022, thị trường mặt hàng này có nhiều biến động. Nguồn cung xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm khoảng 35-40% tổng cung) đã giảm mạnh công suất sản xuất (trong tháng 1 và tháng 02 đã giảm công suất xuống mức 85%, 60% và 55%), có thời điểm ngừng sản xuất do sự cố kỹ thuật nên không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết và ký hợp đồng với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Trong khi đó, nguồn xăng dầu từ nhập khẩu gặp khó khăn do giá tăng mạnh, cạnh tranh lớn khi nguồn cung cấp bị gián đoạn do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.
Trước tình hình trên, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng cường lượng nhập khẩu, đồng thời, ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24 tháng 02 năm 2022 về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II/2022 cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã đẩy mạnh việc nhập khẩu và nỗ lực cung ứng xăng dầu để duy trì nguồn cung cho thị trường nên cơ bản nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong Quý I và Quý II/2022 đến nay luôn được đảm bảo. Trong thời gian tới, trên cơ sở báo cáo của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam về khả năng cung cấp xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước (đặc biệt là từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn), Bộ Công Thương sẽ xây dựng phương án và chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước trong mọi tình huống.
Nguồn “Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương”