Phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp cần chủ động phòng ngừa rủi ro
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã và đang khẳng định trên thị trường xuất khẩu… đồng nghĩa với nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Các vụ kiện sẽ nhiều hơn
Nếu như trước đây, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – ông Ngô Sỹ Hoài, ngành gỗ chủ yếu bị kiện phòng vệ thương mại (PVTM) từ thị trường Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ nhưng gần đây đã có thêm nhiều thị trường khác, đặc biệt là Canada, Hoa Kỳ. Trong đó, Canada đã điều tra và áp thuế mặt hàng salon đệm mút của Việt Nam xuất khẩu với mức thuế khá nặng, trên dưới 10%. “Đáng lo ngại, mỗi khi sản phẩm của Trung Quốc bị điều tra áp thuế chống phá giá, thì độ lùi hai năm sau, các mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam cũng được đưa vào diện điều tra. Đơn cử như mặt hàng tủ bếp sau 2 năm Trung Quốc bị áp thuế, Hoa Kỳ đã điều tra tương tự với mặt hàng tủ bếp xuất khẩu từ Việt Nam” – ông Hoài nói.
Hiện nay, ngành gỗ Việt Nam đang xuất khẩu sang Hoa Kỳ 522 triệu USD gỗ dán, đối với sản phẩm tủ bếp và bàn trang điểm, năm 2021, Việt Nam cũng xuất khẩu sang Hoa kỳ 2,8 tỷ USD. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nếu như biện pháp điều tra chống lẩn tránh thuế được áp đặt cho hai mặt hàng này thì tổng thiệt hại tương đương gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Hoa Kỳ. Ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng, dù không phải tất cả các doanh nghiệp (DN) bị chặn đường xuất khẩu, nhưng nhìn tổng thiệt hại một số các mặt hàng mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cao sẽ thấy thiệt hại là rất lớn.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam ở bên cạnh những quốc gia bị kiện PVTM nhiều như Trung Quốc và một số nước ASEAN thì câu chuyện gian lận, cáo buộc lẩn tránh thuế thông qua Việt Nam là nguy cơ mà hàng xuất khẩu của chúng ta sẽ bị đối mặt. Không những thế, các biện pháp PVTM được các nước sử dụng ngày càng cao, tinh vi hơn. “Nguy cơ cao và khó lường hơn khi Việt Nam tập trung xuất khẩu vào những thị trường thường xuyên sử dụng các biện pháp PVTM như Hoa Kỳ, EU hay những thị trường hàng hóa Việt Nam đang gia tăng xuất khẩu như Canada, ASEAN” – bà Trang cho hay.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp
Dù DN đã có kinh nghiệm sau các va vấp khi bị kiện PVTM, tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, qua 2 vụ việc của mật ong và gỗ bị Hoa Kỳ điều tra PVTM mới đây cho thấy, các DN chưa có chuẩn bị về nhận thức, nguồn lực để ứng phó với PVTM, nhất là với thị trường Hoa Kỳ. “Trong mỗi vụ việc, khi chúng ta cần những bằng chứng chứng minh thì lại thiếu thông tin thống kê về xuất khẩu từ phía Việt Nam, bởi sự phối hợp không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt là phối hợp với những đơn vị mới”- bà Trang chỉ ra.
Đánh giá về năng lực ứng phó của DN, ông Ngô Sỹ Hoài cũng cho rằng, bất cập hiện nay của nhiều DN đó là thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia có những hiểu biết về luật pháp, để có thể theo dõi ứng phó một cách linh hoạt. Ngoài ra, quản trị DN còn yếu kém, nhất là các DN vừa và nhỏ còn chậm chuyển đổi số, chưa áp dụng những phần mềm kế toán tiên tiến đủ độ tin cậy và có tính linh hoạt cao…
Trước thực tế đó, theo ông Ngô Sỹ Hoài: Cục PVTM, Trung tâm WTO và Hội nhập, có thể tổ chức các khóa đào tạo tập huấn ngắn hạn để tăng cường nhận thức của DN về những rủi ro bị áp dụng các biện pháp PVTM. Đặc biệt, các cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài – những người được ví “ở chiến tuyến, trạm khí tượng thủy văn” cần bám thị trường nước sở tại, sớm đưa ra cảnh báo và khuyến nghị kịp thời để các DN và hiệp hội cẩn trọng hơn. Thực tế, để đầu tư một xưởng sản xuất gỗ, DN phải bỏ ra từ 5-10 triệu USD, nếu thị trường xuất khẩu áp dụng các biện pháp hà khắc về thuế thì rủi ro phá sản của DN sẽ rất lớn.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh thêm, trong các vụ việc PVTM, các DN Việt Nam rất cần là hỗ trợ về mặt thông tin. Đó là thông tin cảnh báo sớm về các nguy cơ để có sự chuẩn bị trong thời gian tốt nhất. Đơn cử như ở Hoa Kỳ chỉ có 20 ngày để cơ quan điều tra là Bộ Thương mại Hoa Kỳ quyết định có khởi xướng vụ kiện hay không và đó cũng là khoảng thời gian để tự bảo vệ, chứng minh là không có thiệt hại. Ngoài ra, khi vụ kiện xảy ra cần phải có thông tin diễn biến về vụ việc từ Cục PVTM để DN không bỏ sót thông tin quan trọng.
Bà NGUYỄN THỊ THU TRANG
Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
Nguy cơ về kiện PVTM đang gia tăng dưới tác động của nhiều yếu tố. Tuy vậy, đây cũng là cơ hội để các DN chuẩn bị sẵn sàng năng lực ứng phó, tinh nhạy hơn, có cạnh tranh tốt hơn và mang lại lợi nhuận cho người lao động và nền kinh tế.
Nguồn: congthuong.vn