Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng cao

Trong tháng 8/2022, thị trường hàng hóa trong nước diễn ra khá sôi động do  chuẩn bị khai giảng năm học mới và Tết Trung thu. Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8 phục hồi ở tất cả các ngành và ghi nhận mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2022 ước đạt 481.200 tỷ đồng, mặc dù chỉ tăng 0,6% so với tháng trước nhưng tăng tới 50,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.679.230 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2022 của một số địa phương tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Khánh Hòa tăng 27,8%; TP HCM tăng 18,2%, Bình Dương tăng 16,6%; Hải Phòng tăng 12,8%; Quảng Ninh tăng 12,2%; Hà Nội tăng 10,7%; Cần Thơ tăng 8,8%; Đà Nẵng tăng 6,7%.

Với sự hồi phục tốt, theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhu cầu tăng ở cả trong nước và thế giới trong các dịp lễ, tết sắp đến là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất và thương mại trong những tháng tới. Tuy nhiên, giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu như: xăng dầu, điện, than… Theo dõi sát tình hình sản xuất phân bón trên thế giới để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Đặc biệt, tập trung ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát.

Nguồn “Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương”