Xử lý tiền thuế của hàng hóa bị tịch thu như thế nào?
Hàng hóa vi phạm bị cơ quan chức năng tịch thu xảy ra ở một số địa phương do nhiều nguyên nhân như DN khai sai hồ sơ hoặc do cố tình để thực hiện hành vi buôn lậu. Xử lý tiền thuế của hàng hóa bị tịch thu như thế nào cho đúng quy định là thắc mắc không chỉ của DN mà còn là vướng mắc trong quá trình xử lý vụ việc của nhiều cơ quan quản lý.
Vụ việc phát sinh
Cục Hải quan Hà Nam Ninh báo cáo, tháng 6/2020, Công ty TNHH An Bình XNK Hà Nội (gọi tắt là Công ty An Bình) đăng ký 3 tờ khai NK kinh doanh tại Chi cục Hải quan Hà Nam. Sau khi tiếp nhận khai báo, cơ quan Hải quan phát hiện cả 3 tờ khai có nghi vấn sai phạm. Chi cục Hải quan Hà Nam phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu và một số đơn vị liên quan kiểm tra thực tế toàn bộ lô hàng và kết quả đã phát hiện hàng hoá thực tế không đúng với hàng hoá được khai báo trong hồ sơ hải quan.
Để xử lý, Cục Điều tra chống buôn lậu đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “buôn lậu” và chuyển toàn bộ hồ sơ và tang vật đến Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an Hà Nam). Ngày 12/4/2021, Công an Hà Nam ban hành quyết định khởi tố bị can và thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định.
Tại bản án sơ thẩm số 08/HSST ngày 22/3/2022 của Toá án nhân dân tỉnh Hà Nam và bản án phúc thẩm số 496/HSPT ngày 18/7/2022 của Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã quyết định: Tịch thu toàn bộ hàng hóa nhập lậu để sung quỹ nhà nước hoặc tiêu hủy theo quy định; người đại diện theo pháp luật của Công ty An Bình là ông Phạm Văn Điến (Giám đốc) bị xử phạt 12 năm tù về tội “buôn lậu”; Chi cục Hải quan Hà Nam (Cục Hải quan Hà Nam Ninh) trả lại bị cáo Phạm Văn Điến số tiền thuế là 397.026.865 đồng.
Theo đó, ngày 26/11/2022, ông Phạm Văn Điến có đơn đề nghị Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Nam thi hành nội dung “Chi cục Hải quan Hà Nam trả lại số tiền thuế là 397.026.865 đồng” do ông Điến đang chấp hành án phạt tù. Ngày 28/11/2022, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu. Theo đó, tại Điều 1 của Quyết định xác định các khoản phải thi hành: “Chi cục Hải quan Hà Nam trả lại bị cáo Phạm Văn Điến số tiền thuế là 397.026.865 đồng”. Ngày 30/11/2022, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Nam có công văn số 206/CV-CTHADS đề nghị Chi cục Hải quan Hà Nam hoàn trả số tiền thuế nêu tại quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu, đơn vị thụ hưởng: Văn phòng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Nam.
Tra cứu tình trạng của DN và 3 tờ khai có liên quan, Cục Hải quan Hà Nam Ninh nhận thấy, trên trang thông tin của Tổng cục Thuế, Công ty An Bình không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, con dấu của công ty và dấu chức danh của ông Phạm Văn Điến đã bị tịch thu tiêu huỷ theo bản án sơ thẩm. Đối với 3 tờ khai NK, Công ty An Bình đã nộp thuế vào NSNN tổng số tiền là 397.026.865 đồng. Toàn bộ hàng hoá NK tại 3 tờ khai nói trên đều bị tịch thu (một phần sung quỹ, còn lại tiêu huỷ).
Có được hoàn thuế?
Trong quá trình giải quyết thủ tục hoàn thuế theo tuyên án của tòa án cho Công ty An Bình, Cục Hải quan Hà Nam Ninh cũng chưa biết thực hiện theo quy định nào. Cục Hải quan Hà Nam Ninh dẫn chiếu, các trường hợp hoàn thuế NK theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Thuế XK, thuế NK; các trường hợp hoàn thuế GTGT theo Điều 13 Luật Thuế GTGT, Điều 10 Nghị định 209/2013/NĐ-CP, Điều 18 Thông tư 218/2013/TT-BTC thì pháp luật về thuế không quy định về việc hoàn thuế NK, hoàn thuế GTGT đối với lô hàng NK bị tịch thu.
Tham khảo hướng dẫn tại Công văn số 931/TCHQ-TXNK ngày 12/2/2018 của Cục Thuế XNK thì hàng NK chưa thông quan hoặc giải phóng hàng, vẫn trong khu vực giám sát của cơ quan Hải quan, đã nộp thuế NK, bị tịch thu, tiêu huỷ thì được trả lại số tiền thuế NK nộp thừa.
Ngoài ra, theo hướng dẫn tại Công văn số 5797/TCHQ-TXNK ngày 31/8/2017 của Cục Thuế XNK, trường hợp DN NK hàng hoá nhưng bị lập biên bản vi phạm, bị tịch thu hàng hoá, DN đã nộp thuế GTGT cho lô hàng bị tịch thu không thuộc trường hợp được hoàn thuế GTGT hàng NK nộp nhầm, nộp thừa.
Đối chiếu trường hợp Công ty An Bình không còn hoạt động, con dấu bị tịch thu tiêu huỷ, giám đốc đang thụ án. Quan điểm của Cục Hải quan Hà Nam Ninh, trường hợp của Công ty An Bình chưa đủ căn cứ để được hoàn thuế NK, hoàn thuế GTGT theo các trường hợp được hoàn thuế quy định tại Điều 70 Luật Quản lý thuế 2019.
Tuy nhiên, việc hoàn trả lại số tiền thuế của Công ty An Bình là một nội dung đã được Toà tuyên án và được Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Nam có văn bản đề nghị hoàn trả.
Do đó, Cục Hải quan Hà Nam Ninh gặp vướng mắc trong xác định liệu có được hoàn thuế đối với trường hợp này hay không? Nếu được thì theo trường hợp hoàn trả tiền nộp thừa tại Điều 60 Luật Quản lý thuế 2019 hay hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế?
Hướng dẫn cụ thể
Trước vướng mắc của Cục Hải quan Hà Nam về việc xử lý tiền thuế đối với hàng hóa bị tịch thu theo bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam và bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan đã có hướng dẫn để đơn vị thực hiện.
Theo đó, đối với việc xử lý số tiền thuế theo yêu cầu của Tòa án, tại khoản 1 Điều 60 Luật Quản lý thuế 2019; các điều khoản nêu tại Luật Thi hành án dân sự đã quy định rõ.
Căn cứ quy định hiện hành, việc bị cáo Phạm Văn Điến có đơn yêu cầu thi hành án và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Nam có văn bản đề nghị Cục Hải quan Hà Nam Ninh thi hành nội dung tại bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm là theo quy định tại Luật Thi hành án dân sự.
Do đó, Cục Hải quan Hà Nam Ninh có nghĩa vụ thực hiện quyết định của Tòa án trong việc hoàn trả tiền thuế tại bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Việc hoàn trả số tiền thuế đã nộp thực hiện theo quy định về xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa tại Điều 60 Luật Quản lý thuế 2019.
Thủ tục xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa thực hiện theo quy định tại Điều 131 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 64 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC và quy trình xử lý tiền thuế, tiền sung tại chậm nộp, tiền phạt nộp thừa ban hành kèm theo Quyết định số 3394/QĐ-TCHQ ngày 31/12/2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Đối với số tiền thuế GTGT đã nộp, Cục Hải quan Hà Nam Ninh có văn bản trao đổi thông tin với cơ quan Thuế nơi quản lý DN đề nghị cung cấp thông tin, số liệu kê khai nộp thuế, báo cáo quyết toán thuế của người nộp thuế để phục vụ việc xử lý tiền thuế GTGT nộp thừa.
Liên quan đến việc xử lý hàng hóa NK bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tại khoản 10 Điều 13 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định, các trường hợp cơ quan Hải quan tính thuế, thông báo thuế đối với hàng hóa XNK; khoản 4, khoản 8 Điều 17 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định cơ quan Hải quan ấn định thuế và trách nhiệm của người khai thuế trong trường hợp hàng hóa NK chưa hoàn thành thủ tục hải quan bị kê biên, bán đấu giá.
Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan Hà Nam Ninh căn cứ các quy định để theo dõi, phối hợp với cơ quan, tổ chức thu tiền bán đấu giá trong việc xử lý tiền thuế đối với các hàng hóa bị tịch thu sung quỹ nhà nước của Công ty An Bình theo quyết định của Tòa án tại bản án sơ thẩm.
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/