Top 10 sản phẩm tiêu thụ tốt trên Alibaba.com thuộc thế mạnh của Việt Nam
Đó là chia sẻ của ông Roger Lou- Giám đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam tại “Yes, We Can” – Hội nghị trực tuyến nhà xuất khẩu tài ba năm 2021 do Alibaba.com Việt Nam phối hợp tổ chức, ngày 21/12.
Đại diện Alibaba.com Việt Nam cũng cho biết: Doanh nghiệp (DN) Việt Nam thông qua nền tảng Alibaba.com đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Top 10 danh mục sản phẩm ngành hàng tiêu thụ tốt trên nền tảng đều là những ngành hàng có lợi thế của Việt Nam. Các nhà cung cấp Việt Nam có sức ảnh hưởng, phổ biến trên Alibaba.com và tạo được sự tin tưởng với người mua hàng từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Thông qua Alibaba.com, một số sản phẩm thuộc ngành hàng nông nghiệp; đồ uống, thực phẩm; làm đẹp và làm vườn đang có sức mua lớn. Cụ thể, top 3 danh mục sản phẩm trong ngành hàng nông nghiệp là dầu ăn, quả hạnh, hạt giống, có hơn chục nghìn mặt hàng này đang được giới thiệu tuy nhiên nhu cầu của người mua cao hơn rất nhiều, thậm chí cao hơn cả nguồn cung hiện có trên nền tảng.
5 danh mục sản phẩm đồ uống, thực phẩm, gồm: Đồ uống, hải sản, gia vị, quả, đồ nướng. Các sản phẩm này đang được cung cấp từ đa dạng nhà sản xuất tới từ Việt Nam, Ấn Độ, Hoa Kỳ… Tuy nhiên, mỗi sản phẩm sẽ có những thị trường và đối tượng khách hàng khác nhau. Tương tự, sản phẩm thuộc ngành hàng làm đẹp, làm vườn và một số ngành khác cũng đang có nhu cầu rất cao cho thấy tiềm năng xuất khẩu trực tuyến lớn, DN Việt Nam có thể khai thác.
Qua thách thức từ đại dịch có thể thấy rõ sự khác biệt giữa DN thuần kinh doanh theo phương thức truyền thống và DN đa dạng hình thức kinh doanh, trong đó có kinh doanh qua thương mại điện tử. Một số nhà cung ứng nhanh chóng tiếp cận với phương pháp kỹ thuật số đã nắm bắt được cơ hội, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh doanh bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh.
Từ thành công của DN, bà Nguyễn Xuân Hải Yến- Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Proline Việt Nam, chia sẻ: 100% doanh số xuất khẩu của DN đến từ Alibaba.com; đơn hàng tăng trưởng vượt bậc so với năm 2020 với từ 1-3 đơn hàng/tháng; tiếp cận được những đơn hàng lớn; ký được hợp đồng đại lý cho một số nhà nhập khẩu đến từ Hàn Quốc, Singapore; thị trường xuất khẩu tăng từ 7 quốc gia năm 2020 lên 12 quốc gia năm 2021…
“Sau 6 năm tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử, kết qủa Proline thu được không chỉ là những giá trị hữu hình về doanh thu mà còn tích luỹ được kinh nghiệm về thương mại quốc tế, sự chuyên nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua những chứng chỉ, quy trình sản xuất DN đã xây dựng được”, bà Nguyễn Xuân Hải Yến nói.
Công ty Legendary Chocolatier Việt Nam cũng là một điển hình thành công, theo bà Bùi Hồng Hạnh – CEO công ty, thời điểm thành phố Hồ Chí Minh ở đỉnh dịch, công ty đã có đơn hàng đầu tiên, đơn hàng mới tới liên tiếp sau khi đơn hàng cũ hoàn thành. Ngoài ra, công ty cũng giảm đáng kể chi phí do đầu tư đúng cách, có sản phẩm cạnh tranh về chất lượng và giá với các thương hiệu lớn, lâu đời ngay tại Việt Nam. Công ty cũng ký được hợp đồng OEM với Lotte Mart sau khi kiểm soát viên Hàn Quốc sang kiểm tra, đánh giá nhà xưởng.
Theo bà Bùi Hồng Hạnh, để có kết quả này, DN mất 2 năm vật lộn xử lý hàng loạt vấn đề phát sinh khi lần đầu tiên tham gia vào thương mại điện tử, như: Thư hỏi hàng rất nhiều nhưng không có đơn; khách không tiếp cận được hàng mẫu do chi phí vận chuyển quá cao; giá thành sản phẩm cao, chưa thực sự phù hợp với nhu cầu thị trường; chưa đáp ứng với các yêu cầu của khách hàng.
“Thị trường là yếu tố quan trọng, là sự sống còn, da dạng hoá thị trường là mong ước của DN nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài. Alibaba.com là một giải pháp tốt, có thể cung cấp sân chơi lớn, tạo lập thị trường cho DN. Để khai thác, DN buộc phải cải tiến, phải thay đổi về cả sản xuất và chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh ngay trên sân nhà trước khi bước ra thị trường thế giới”, bà Bùi Hồng Hạnh chia sẻ.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh không còn là lựa chọn mà đã trở thành điều kiện bắt buộc với DN trong bối cảnh số hoá đang trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Nhận thức được vấn đề này, những năm qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Alibaba.com triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DN vừa và nhỏ tiếp cận với thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh, nhất là xúc tiến thương mại.
Riêng năm 2021, đã có 30 sự kiện được tổ chức trên khắp cả nước; 200 DN và địa phương được đào tạo để nâng cao năng lực về thương mại điện tử, các hiệu suất chuyên sâu về kỹ thuật số trong chính lĩnh vực ngành hàng của các đơn vị.
Bộ Công Thương cũng đang phát triển hệ thống xúc tiến thương mại số với một số nền tảng hiện đại, tiện dụng như truy suất nguồn gốc; mở gian hàng cấp quốc gia xúc tiến thương mại trên một số nền tảng thương mại điện tử trong nước như Shopee, Lazada; phối hợp với Alibaba.com hỗ trợ DN nhỏ và vừa Việt Nam bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử này…
Nguồn: congthuong.vn