Xúc tiến thương mại: Khơi thông đầu ra thị trường nông sản

Cùng với việc nâng cao chất lượng, hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai rộng khắp giúp nông sản Việt dần khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 6 tháng đầu năm, xuất khẩu nông – lâm – thủy sản đạt 27,88 tỷ USD, trong đó có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Cao su, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.

Có được kết quả này do Chính phủ, các bộ, ngành đã thực hiện cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu, dự báo, tranh thủ cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy … Đồng thời, phối hợp với đại sứ quán, tham tán thương mại Việt Nam tại các nước xây dựng kênh trao đổi, cung cấp thông tin về thị trường xuất khẩu; tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến (online) đối với các sản phẩm đã được mở cửa.

Chia sẻ về thông tin mở cửa thị trường cho nông sản, trái cây Việt, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) – cho biết, tháng 6 vừa qua, chuyên gia Nhật Bản đã kết thúc phần kiểm soát kỹ thuật. Hiện, hai bên thống nhất điều kiện kỹ thuật để nhập khẩu, nếu không có gì thay đổi, trong tháng 7/2022, Nhật Bản sẽ hoàn thiện dự thảo nhập khẩu, sau đó hoàn thiện thủ tục nội bộ và chính thức công bố mở cửa nhập khẩu quả nhãn Việt Nam.

Không chỉ quả nhãn tươi, Cục Bảo vệ thực vật đang tiến hành đàm phán để xuất khẩu nhiều loại trái cây vào các thị trường khó tính trên thế giới. Đơn cử, với thị trường Hoa Kỳ, hiện đã hoàn tất khâu kỹ thuật để nhập khẩu quả bưởi. Tháng 7/2022, đoàn chuyên gia của Hoa Kỳ sẽ vào Việt Nam để kiểm tra liều lượng chiếu xạ với quả bưởi, sau đó, chính thức công bố xuất khẩu quả bưởi sang thị trường này. Hay với quả dừa tươi, Cục Bảo vệ thực vật đang kiến nghị cơ quan Hoa Kỳ tiến hành đàm phán theo phương thức rút gọn bởi trước đây quả dừa đã xuất khẩu sang thị trường này từ nhiều năm.

Với thị trường Trung Quốc, ông Hoàng Trung thông tin, quả sầu riêng đã chính thức được hoàn thiện dự thảo tại Nghị định thư nhập khẩu chính ngạch, sau đó hai bên sẽ họp trực tuyến để thống nhất ngày giờ, phương thức công bố Nghị định thư này. Liên quan tới quả chanh leo, Cục cũng đang đề xuất phía Trung Quốc áp dụng phương thức nhập khẩu tạm thời thí điểm giống quả ớt tươi.

Theo ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, năm 2021, xuất khẩu trái cây đạt hơn 3,4 tỷ USD, trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm tới 1,9 tỷ USD. Vì vậy, việc đàm phán để đẩy mạnh xuất khẩu trái cây chính ngạch sang Trung Quốc rất quan trọng.Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT yêu cầu đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường lớn và tiềm năng, như: Trung Quốc (sầu riêng, tổ yến, chanh leo, bơ, bưởi, na, roi, dừa…); Nhật Bản (nhãn, bưởi, chanh leo, xuất khẩu gia cầm đã qua xử lý nhiệt); Hàn Quốc (tôm, bưởi, vú sữa, chanh leo, nhãn, vải, chôm chôm, thịt gia súc, gia cầm chế biến, trứng gia cầm chế biến); Myanmar (bưởi, xoài); Thái Lan (chôm chôm, bưởi, chanh leo, na, vú sữa); Australia (tôm tươi, chanh leo), New-Zealand (chanh ta, chanh leo, nhãn, vú sữa, bưởi, vải, măng cụt, dưa hấu)…

Nguồn: congthuong.vn