Giám đốc Sở Công Thương tham dự Tọa đàm “Gỡ khó cho hoạt động xuất khẩu nông sản qua Lạng Sơn”
Chiều ngày 24/3/2020, Đồng chí Phùng Quang Hội, Giám đốc Sở Công Thương đã tham dự Tọa đàm “Gỡ khó cho hoạt động xuất khẩu nông sản qua Lạng Sơn” do Báo Công Thương tổ chức tại Hà Nội. Tham dự cuộc Tọa đàm còn có đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, đồng chí Vi Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, ông Trần Ngọc Anh, Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Xuân Cương.
Dịch Covid-19 bùng phát, đã và đang diễn biến rất phức tạp trên phạm vi toàn cầu, tại Việt Nam dịch Covid-19 cũng đang bước vào giai đoạn phức tạp hơn, tác động ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt hoạt động kinh tế, xã hội, trong đó có hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông sản. Trong hoạt động giao thương biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, phần lớn hàng hóa nông sản Việt Nam xuất khẩu là đi qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc đã phong tỏa trao đổi hàng hóa biên mậu để dập dịch, xuất khẩu nông sản của Việt Nam theo đường biên mậu bị gián đoạn.
Trong gần 3 tháng đầu năm 2020, ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 đã dẫn đến tình hình thương mại biên giới và XNK qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn diễn ra khá ảm đạm, kéo theo đó ảnh hưởng đến một loạt các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch, vận tải, sản xuất kinh doanh, lao động của cư dân biên giới cũng như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh…. Đến nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chỉ có 05/12 cửa khẩu thực hiện thông quan hoạt động XNK hàng hóa. Dự ước trong quý I/2020 kim ngạch XNK hàng hóa qua địa bàn tỉnh giảm mạnh so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản ước đạt khoảng 250 triệu USD, giảm gần 35% so với cùng kỳ; một số mặt hàng chủ lực xuất khẩu như Thanh Long, Dưa hấu, Xoài, Nhãn, Chôm Chôm… chỉ đạt khoảng 350.000 tấn, giảm trên 200.000 tấn so với cùng kỳ. Đặc biệt tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, là cửa khẩu chủ yếu xuất khẩu nông sản, hoa quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, trước thời điểm dịch, trung bình mỗi ngày xuất khẩu được 300 xe hàng; từ khi khôi phục trở lại đến nay, năng lực thông quan còn rất hạn chế, trung bình mỗi ngày chỉ xuất khẩu được từ 130 đến 150 xe hàng, trong đó sang tải hàng hóa chỉ đạt 50%, số còn lại phải tồn lại tại khu vực cửa khẩu bên phía Pò Chài (Trung Quốc). Trong khi đó, lưu lượng xe và hàng hóa xuất khẩu từ các tỉnh nội địa lên khu vực cửa khẩu chờ xuất ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu. Đến sáng ngày 24/3/2020 còn tồn trên 900 xe hàng.
Tại buổi Tọa đàm, các Diễn giả đã đánh giá, nhận định những tác động của dịch Covid-19 tới tình hình xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói riêng. Đồng thời cũng đã trao đổi, đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nông sản xuất khẩu được thuận lợi, hiệu quả và bền vững hơn.
Ảnh: Các Diễn giả trao đổi tại cuộc Tọa đàm
Thị trường Trung Quốc vẫn luôn là một thị trường đầy tiềm năng cho hàng hóa nông sản của Việt Nam, tuy nhiên trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường nhập khẩu về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa cũng như trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, để đảm bảo hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, trái cây của Việt Nam được thuận lợi, bền vững, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các cơ quan tỉnh Lạng Sơn trong việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, đẩy mạnh phát triển dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu… thì cần có sự vào cuộc của các bộ ngành Trung ương, các tỉnh, thành có hàng hóa nông sản xuất khẩu qua địa bàn tỉnh và các thương nhân.
Thời gian tới đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn tất mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản, hoa quả, trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc; các tỉnh, thành có hàng hóa nông sản xuất khẩu cần tổ chức sản xuất nông sản theo quy hoạch, có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, thương nhân, hỗ trợ sản xuất nông sản sạch theo các tiêu chuẩn tiên tiến, xây dựng nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa rõ ràng; các doanh nghiệp, thương nhân nên từng bước chuyển từ loại hình xuất khẩu tiểu ngạch biên giới sang loại hình xuất khẩu chính ngạch, tuân thủ đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, tem nhãn, quy cách đóng gói…Đây là phương thức kinh doanh thương mại quốc tế hiện đại, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế, không chỉ giúp thương nhân xuất khẩu nông sản được ổn định, bền vững mà còn góp phần nâng cao được uy tín, hình ảnh hàng hóa Việt Nam trên thương trường quốc tế./.
Hoàng Khánh Duy