Bộ Công Thương hỗ trợ Thanh Hóa nâng cao quản lý và tận dụng cơ hội từ thương mại điện tử
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Sở Công Thương Thanh Hóa tổ chức Hội nghị nâng cao kỹ năng thực thi pháp luật,bán hàng trên thương mại điện tử
Thanh Hóa là một trong những tỉnh, thành phố sớm ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư hạ tầng thương mại điện tử phục vụ sản xuất, kinh doanh, kết nối cung cầu các sản phẩm hàng hóa. Từ đó trở thành kênh giao dịch điện tử tiện lợi cho người mua, người bán trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.
Hiện nay, hệ thống viễn thông Internet của Thanh Hóa đảm bảo triển khai tốt các ứng dụng về thông tin điện tử. Theo đó, phát triển thương mại điện tử đã mang lại lợi ích không nhỏ cho doanh nghiệp, thông qua kênh phân phối trên sàn thương mại điện tử.
Nhằm hỗ trợ các cán bộ quản lý nhà nước nâng cao kỹ năng thực thi pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử cũng như giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp cận và nâng cao các kiến thức về thương mại điện tử, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử – Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn với chủ đề “Nâng cao kỹ năng thực thi pháp luật, bán hàng trong hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” vào ngày 29/6.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở Công Thương Thanh Hóa, lãnh đạo Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng gần 200 khách mời là cán bộ quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử đã giới thiệu tổng quan về thực trạng thương mại điện tử hiện nay và tình hình phát triển thương mại điện tử tại Thanh Hóa.
Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 của Hiệp hội Thương mại điện tử, xếp hạng chỉ số thương mại điện tử theo địa phương năm 2023 xác nhận TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đang xếp vị trí thứ 1 và 2. Thanh Hóa hiện xếp vị trí thứ 20/58 tỉnh, thành phố được xếp hạng. Trong đó, tỉnh này đứng lần lượt ở vị trí thứ 20/58 và 16/58 tỉnh, thành được xếp hạng chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).
Dựa vào các tiêu chí xếp hạng của Báo cáo kết hợp với diễn biến thị trường bán lẻ hàng hóa trên các sàn uy tín như Shopee, TikTok shop, Lazada, Tiki, Sendo của Thanh Hóa, ông Thành đã đánh giá chung về tình hình phát triển thương mại điện tử của Thanh Hóa, thế mạnh và những hạn chế, định hướng phát triển để có bước tiến trong thời gian tới, góp phần đưa sản phẩm tiêu biểu của tỉnh này lên sàn thương mại điện tử, giới thiệu tới người tiêu dùng trong nước, vươn ra thị trường nước ngoài.
Đặc biệt, ông Thành giới thiệu tới các doanh nghiệp một số giải pháp, nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa trên môi trường trực tuyến như: Cổng thông tin xuất khẩu Vietnamexport (www.vietnamexport.com); nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu ECVN (www.ecvn.com); website phân tích, đánh giá thị trường (www.metric.ecomviet.vn); phần mềm hỗ trợ khai báo và in C/O trực tuyến (www.vsign.vn)…
Chia sẻ về các xu hướng mới trong thương mại điện tử, ông Lê Trung Dũng, Phụ trách vận hành nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu ECVN đã có hai bài chia sẻ liên quan tới việc ứng dụng đa dạng các giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) cho chủ doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa để nâng cao năng lực cạnh tranh và Lợi ích & hướng phát triển đúng đắn của LiveCommerce, SocialCommerce, shoppertainment đối với doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử.
Ông Dũng cho hay, sự phát triển của AI đã cung cấp cho các doanh nghiệp trong ngành thương mại điện tử công cụ và kỹ thuật mới để tối ưu hóa quy trình kinh doanh và nâng cao trải nghiệm người dùng. Trong đó, có thể ứng dụng AI trong thương mại điện tử như: Hỗ trợ viết content, làm hình ảnh, video phục vụ cho thương mại điện tử; tự động hóa quy trình làm việc (xử lý hồ sơ, phân loại dữ liệu, tương tác nội bộ thông qua chatbot); phân tích dữ liệu và dự báo về thị trường, xu hướng tiêu dùng, hành vi khách hàng; quản lý kho vận.
Cập nhật với các doanh nghiệp về các phương thức bán hàng trực tuyến hiện nay, ông Dũng đưa ra 3 cách thức mới, đó là: Thương mại trực tiếp (Live Commerce hay còn gọi là Live Shopping); Bán hàng trên mạng xã hội (Social Commerce); Shoppertainment (là sự kết hợp giữa hai yếu tố shopper (mua sắm, người mua sắm) và entertainment (giải trí).
“Những phương thức bán hàng trực tuyến nói trên giúp các doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận khách hàng; tăng độ tin cậy của khách hàng; tối ưu chi phí quảng cáo cũng như tăng doanh số bán hàng” – ông Dũng khẳng định.
Bên cạnh việc giới thiệu tổng quan về thương mại điện tử của tỉnh Thanh Hóa, các xu hướng mới trong thương mại điện tử… các đại biểu tham dự hội nghị cũng được chuyên gia từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số giới thiệu các văn bản pháp quy mới về thương mại điện tử; hướng dẫn đăng ký, thông báo website thương mại điện tử; phổ biến thông tin liên quan đến việc xử lý vi phạm trong thương mại điện tử.
Những kiến thức được chia sẻ tại hội nghị đã được lãnh đạo Sở Công Thương tình Thanh Hóa cũng như cộng đồng doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác nhau đánh giá cao về chất lượng cũng như tính thiết thực.
Ông Thành cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp tại nhiều địa phương trên cả nước đẩy mạnh phát triển kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên môi trường trực tuyến.
Nguồn: congthuong.vn