Bộ Công Thương tăng cường hợp tác thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh

Đó là một phần nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại buổi Họp báo giới thiệu về Hội nghị cấp cao và Triển lãm kinh tế xanh 2022, ngày 3/10.

Phát biểu tại buổi họp báo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh: Sau những cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP 26, Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt với các mục tiêu như: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở đó, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ ban ngành liên quan tổ chức Hội nghị cấp cao và Triển lãm kinh tế xanh năm 2022 nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy đầu tư, hợp tác thương mại giữa châu Âu và Việt Nam, đồng thời đây cũng là hoạt động thiết thực trong tiến trình thực hiện có hiệu quả Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng giai đoạn 2021 – 2030 đã được đề ra.

Triển lãm kinh tế xanh sẽ giới thiệu, trưng bày các công nghệ tiên tiến, sản phẩm chất lượng cao, sáng kiến và mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam. Bên cạnh đó các diễn đàn và phiên thảo luận trong khuôn khổ Triển lãm sẽ là nền tảng để tăng cường hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam, góp phần thúc đẩy một nền kinh tế Việt Nam xanh, bền vững thông qua việc chia sẻ sáng kiến, ý tưởng và chuyển giao công nghệ.

Tôi tin tưởng rằng, Hội nghị cấp cao và Triển lãm kinh tế xanh 2022 sẽ là một sự kiện có ý nghĩa và là một phần quan trọng trong việc thực hiện các sáng kiến phát triển bền vững phù hợp với thỏa thuận song phương Việt Nam và EU, góp phần thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải kỳ vọng.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin thêm: Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam và châu Âu đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng và chiều sâu, vững chắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, cũng như giáo dục, khoa học công nghệ….

Kim ngạch thương mại song phương đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng, thương mại hàng hóa tăng hơn 4 lần, thương mại dịch vụ tăng hơn 2 lần. Châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, là nhà viện trợ ODA lớn nhất, là nhà đầu tư hàng đầu, có mặt trong mọi lĩnh vực kinh tế quan trọng của Việt Nam.

Quan hệ thương mại được coi là tiền đề quan trọng thúc đẩy hợp tác chính trị và các hoạt động hợp tác giữa châu Âu và Việt Nam trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Châu Âu hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, thị trường nhập khẩu lớn thứ năm của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã vượt Singapore trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu trong khối ASEAN và đứng vị trí thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào châu Âu.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm thứ hai thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 61,4 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực.

Theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu: Tính riêng 7 tháng đầu năm 2022, châu Ân nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam đạt giá trị 27,9 tỷ EUR, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, châu Âu cũng đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam với kim ngạch đạt 6,9 tỷ EUR, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Hiệp định EVFTA đã hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và châu Âu tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai Bên.

Đáng chú ý, 9 tháng năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối châu Âu đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực, không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ châu Âu (như Đức, Hà Lan, Pháp…), mà còn tiếp cận tốt các thị trường nhỏ hơn như tại Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu.

Những ưu đãi cắt giảm thuế quan theo Hiệp định EVFTA cũng góp phần đáng kể giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần tại EU, đồng thời được tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng cao.

Tại buổi họp báo, ông Alain Cany – Chủ tịch EuroCham cũng cho biết: Hội nghị cấp cao và Triển lãm kinh tế xanh 2022 rất quan trọng, hỗ trợ cho Việt Nam đáp ứng cam kết tại COP26 và hoàn thành Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Hội nghị và triển lãm sẽ diễn ra 3 ngày tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia của đại diện cấp cao của nhiều Bộ, ngành tại Việt Nam các phái đoàn ngoại giao tại Việt Nam… và đặc biệt là sự tham gia của khoảng 150 doanh nghiệp.

Về việc ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và đầu tư ngành Công Thương giữa Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, ông Alain Cany cho rằng: Sẽ đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia triển lãm và là khung khổ để hai bên tăng cường hợp tác.

Tại buổi hợp báo, ông Christoph Prommersberger – Phó Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cũng thông tin: Trong thời gian tới một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu sẽ bị đánh thuế cao hơn nếu đáp ứng một số tiêu chuẩn của châu Âu. Chúng tôi vui mừng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các tiêu chuẩn này thông qua các buổi tập huấn, đào tạo.

Bên cạnh đó, để đáp ứng các yêu cầu này cần có công nghệ, kiến thức mới và Hội nghị cấp cao và Triển lãm kinh tế xanh 2022 sẽ cung cấp thông tin cần thiết cho đối tác Việt Nam”, Christoph Prommersberger nói.

Nguồn: congthuong.vn