Cần có cơ chế khuyến khích phát triển thương hiệu doanh nghiệp xanh
Thúc đẩy các thương hiệu Việt Nam hướng tới phát triển xanh để tạo một nền kinh tế xanh cần nỗ lực của doanh nghiệp và cơ chế khuyến khích từ Chính phủ.
Bên lề Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam với chủ đề “Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh” ngày 20/4, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã có cuộc trao đổi về phát triển thương hiệu doanh nghiệp xanh.
Có thể nói, tăng trưởng xanh đang là xu thế toàn cầu; đồng thời cũng là mục tiêu của Việt Nam. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Xin ông chia sẻ thêm những thông tin xung quanh vấn đề này?
Xu hướng tiêu dùng xanh đang dẫn tới xu hướng sản xuất xanh và nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh cũng đang được các quốc gia theo đuổi. Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.
Như chúng ta biết, tại COP26, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ngay sau COP26, Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện ngay những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế. Điều này cũng đang thể hiện quyết tâm trong định hướng phát triển xanh, bền vững của Việt Nam.
Trước xu thế chung của thế giới liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tiêu dùng xanh … đang đặt những đòi hỏi đối với doanh nghiệp Việt Nam, đó là làm thế nào có thể bắt kịp xu thế và tận dụng cơ hội chuyển sang sản xuất xanh, kinh doanh xanh nhằm gia tăng cơ hội tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn.
Mặt khác, trong giai đoạn Việt Nam đang tham gia nhiều FTA trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA… với cam kết sâu rộng và rất cao liên quan đến vấn đề môi trường, sản xuất xanh nên nếu doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng sang sản xuất xanh, giảm phát thải là một lợi thế để tiếp cận các thị trường lớn trên thế giới.
Trong số các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam, xu hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh xanh được thể hiện như thế nào, thưa ông?
Trong xu thế hội nhập toàn cầu, đứng trước nhiều cơ hội cũng như nhiều thách thức, tập trung vào việc xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững và thân thiện với môi trường là điều kiện cần thiết nhằm nâng cao vị thế và mang lại nhiều giá trị cạnh tranh thiết thực cho doanh nghiệp.
Vì thế, thời gian qua đã hiện có rất nhiều doanh nghiệp thương hiệu quốc gia đang chuyển hướng sản xuất xanh. Đơn cử như Tập đoàn TH đã thúc đẩy đưa vào công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường. Việc thúc đẩy sản xuất xanh, bền vững của Tập đoàn TH kỳ vọng sẽ tạo thành một xu hướng sản xuất xanh trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống. Đồng thời tạo thành hiệu ứng cho các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực này tiếp cận công nghệ, chuyển đổi sản xuất xanh, bền vững trong tương lai. Ngoài ra, trong các lĩnh vực khác như năng lượng các doanh nghiệp cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ chuyển sang phát triển các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
Từ thực tiễn chuyển đổi sản xuất xanh của doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn khuyến khích các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia, đặc biệt là những doanh nghiệp có tiềm lực lớn tiếp tục theo đuổi xanh hóa và dẫn dắt cho các doanh nghiệp khác phát triển sản xuất xanh, kinh doanh xoanh mà Chính phủ cũng như Chương trình Thương hiệu quốc gia đang định hướng.
Trên tinh thần này, Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm nay có chủ đề về định vị thương hiệu xanh cũng là nhằm mục tiêu nhận được các đóng góp từ doanh nghiệp, chuyên gia để điều chỉnh, hoàn thiện các hoạt động của Chương trình phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế xanh của Chính phủ.
Từ các đòi hỏi đang đặt ra, theo ông cơ quan chức năng cần có giải pháp cụ thể nào để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển theo định hướng xanh trong thời gian tới?
Như tôi đã đề cập, Chính phủ đã khẳng định và quyết tâm thực hiện những cam kết của mình trong COP26 và hướng tới phát triển kinh tế thân thiện với môi trường.
Theo đó, để đạt các mục tiêu đề ra, Chính phủ cần đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân hướng tới sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, qua đó giúp cho doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.
Và nếu không có cơ chế khuyến khích phù hợp thì việc doanh nghiệp theo đuổi sản xuất xanh, kinh tế xanh sẽ rất khó khăn. Vì vậy, thời gian tới, tin tưởng rằng Chính phủ sẽ có các cơ chế, ưu đãi phù hợp dành cho các doanh nghiệp và các doanh nghiệp cần quan tâm cần nắm bắt, tận dụng các ưu đãi, mạnh dạn chuyển hướng sang sản xuất xanh, thân thiện môi trường hơn. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội quảng bá thương hiệu doanh nghiệp xanh và góp thúc đẩy phát triển thương hiệu quốc gia xanh.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: congthuong.vn