Đảm bảo an ninh an toàn thông tin trong giao dịch thương mại điện tử
Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, việc đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong giao dịch thương mại điện tử đang trở thành vấn đề cấp thiết.
Quản lý và phát triển thương mại điện tử theo hướng bền vững
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm; Doanh số thương mại điện tử B2C tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước; phấn đấu đạt trên 40 – 45% số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước.
Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử hiện đang trở thành một hình thái kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam. Để thương mại điện tử phát triển bền vững, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thị trường thương mại điện tử phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á vào năm 2030, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp chính gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh CMCN 4.0; Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử; Xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong thương mại điện tử; tăng cường năng lực cho các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử; Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương; phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Theo ông Võ Văn Khanh – Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tại miền Trung, Tây Nguyên, để thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, về phía Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách mới khuyến khích thương mại điện tử phát triển. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho thương mại điện tử; tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử với việc cải thiện hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho thương mại điện tử, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics; Đảm bảo an toàn cho các giao dịch thương mại điện tử. Về phía doanh nghiệp, ông Khanh cho rằng bản thân doanh nghiệp cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm; đầu tư hợp lý xây dựng cửa hàng trực tuyến; đẩy mạnh tiếp thị thông qua kênh truyền thông xã hội; đẩy mạnh đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ; chú trọng chăm sóc khách hàng.
Đảm bảo an ninh an toàn thông tin trong giao dịch thương mại điện tử
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính, khi việc ứng dụng công nghệ số trong các doanh nghiệp phát triển nhanh, số lượng giao dịch điện tử tăng lên nhanh chóng sau mỗi năm thì vấn đề đảm bảo an toàn trong giao dịch điện tử, an ninh bảo mật dữ liệu càng trở nên cấp thiết nhằm bảo vệ an toàn hệ thống và dữ liệu khách hàng.
Hiện nay, việc xác thực đảm bảo an toàn thông tin trong giao dịch điện tử được thể hiện qua chữ ký số. Chữ ký số cũng đồng thời là một giải pháp bảo mật, mã hóa dữ liệu quan trọng trên môi trường số.
Việc hình thành các quy định pháp lý về cung cấp dịch vụ chữ ký số, con dấu điện tử và chứng thực chữ ký số, con dấu điện tử sẽ đảm bảo cho mô hình ký số từ xa của các doanh nghiệp an toàn, hiệu quả.
Góp ý giải pháp kiểm soát hiệu quả việc đảm bảo an ninh an toàn thông tin trong giao dịch thương mại điện tử, đồng thời thúc đẩy ngành thương mại điện tử phát triển bền vững ở Việt Nam, TS. Trần Thị Sáu (Đại học Kinh tế Đà Nẵng) và ThS. Trần Thị Phương Thảo (Cao đẳng Kinh tế – Kế hoạch Đà Nẵng) cho rằng, cần có các chính sách phát triển ngành thương mại điện tử Việt Nam không chỉ mang tính thúc đẩy mà còn có tính kiểm soát, tính khả khi.
Trong đó, các chính sách pháp lý cần quy định rõ ràng về trách nhiệm pháp lý của các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử và cơ quan, cá nhân quản lý hoạt động thương mại điện tử. Quy định rõ trách nhiệm của sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa theo những thông tin được cung cấp trên trang web và trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đặc biệt pháp luật hiện hành chủ yếu điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử qua sàn giao dịch thương mại mà chưa có quy định riêng dành cho các hình thức thương mại điện tử qua các mạng xã hội như Zalo, Facebook… có những cách thức, quy trình thực hiện nhiều sự khác biệt. Vì vậy nên cần bổ sung các quy định pháp luật điều chỉnh thương mại điện tử qua các mạng xã hội ngoài sàn giao dịch điện tử và ứng dụng điện thoại di động. Đồng thời bổ sung chế định uỷ quyền khi tham gia giao dịch điện tử vào trong Luật Giao dịch điện tử nhằm hình thành hành lang pháp lý an toàn cho các giao dịch thương mại điện tử.
Về hợp đồng thương mại điện tử pháp luật cũng quy định cụ thể về nội dung các điều khoản cơ bản của hợp đồng để đảm bảo quyền lợi của các bên, nhất là khách hàng.
Nâng cao mức xử phạt xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thương mại điện tử. Đặc biệt, các chính sách cần nâng cao khả năng thực thi việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thương mại điện tử, bảo vệ thông tin cá nhân trong giao dịch thương mại điện tử, tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ, hạ tầng phần mềm lẫn phần cứng, nhằm đảm bảo an toàn thông tin khách hàng và giao dịch.
Nguồn: congthuong.vn