Kết nối nông sản vùng Duyên hải Nam Trung bộ vào hệ thống siêu thị
Central Retail đồng hành cùng Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh trong chuỗi chương trình kết nối với các doanh nghiệp cung ứng các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ
Từ ngày 26/2 đến hết ngày 5/3, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các sở ban ngành có liên quan tổ chức “chuỗi sự kiện kết nối giữa hệ thống phân phối lớn Thành phố Hồ Chí Minh với các nhà cung cấp và khảo sát tiềm năng liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ”.
Tại các buổi làm việc, cán bộ phận thu mua ở ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), ngành hàng thực phẩm tươi sống (Fresh Food) của Central Retail, dưới sự hỗ trợ kết nối tích cực của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh và Sở Công Thương các địa phương đã có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn các sản phẩm đặc trưng, khả năng cung ứng của các doanh nghiệp, chất lượng tiêu chuẩn sản phẩm,… từ đó, có thể dễ dàng thống nhất quy trình tiếp nhận, đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối của Central Retail.
Đây là tiền đề quan trọng để đội ngũ thu mua của Central Retail có thể sớm thương thảo hợp đồng, biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác tiềm năng, giúp đưa các đặc sản nổi tiếng từ các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ như: Nước mắm Phan Thiết (Bình Thuận), các sản phẩm chế biến từ thanh long đạt chuẩn 4 sao (Bình Thuận); các sản phẩm chế biến từ trái nho đạt OCOP 3 sao (Ninh Thuận), thịt cừu, thịt dê (Ninh Thuận); các sản phẩm rong nho (Khánh Hòa); bò một nắng, thủy hải sản đông lạnh (Phú Yên),… phân phối ra toàn quốc, thông qua hệ thống siêu thị GO!, Big C đã có mặt tại 40 tỉnh thành; cũng như mở ra cơ hội xuất khẩu cho hàng Việt thông qua mạng lưới bán lẻ ở quốc tế của Central Retail.
Đây là lần đầu tiên diễn ra chuỗi sự kiện trên, nhằm triển khai Kế hoạch phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa), dự kiến diễn ra vào ngày 7 – 8/4/2023 tại Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Những năm gần đây, các hợp tác xã, doanh nghiệp đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa, áp dụng quy trình khoa học nhằm đưa nông sản có mặt ngày càng nhiều ở thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc đưa nông sản vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn là “bài toán” không dễ đối với các hợp tác xã.
Thống kê từ các địa phương cho thấy, hiện nay, khoảng 60 – 70% nông sản, thực phẩm sạch vẫn đang tiêu thụ qua các kênh bán lẻ truyền thống (chợ dân sinh, thương lái…), phần còn lại là tiêu thụ tại các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích… Nguyên nhân của tình trạng này là quá trình đưa sản phẩm ra thị trường của các doanh nghiệp cung ứng, hợp tác xã còn nhiều lúng túng và khó khăn.
Việc đầu tiên để đưa sản phẩm vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích là phải kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, có hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục pháp lý để giao dịch, mua bán. Tuy nhiên, nhiều đơn vị dù đã áp dụng quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ nhưng phần hoàn thiện thủ tục giấy tờ chưa đáp ứng được trong thời gian nhà phân phối yêu cầu. Đi liền với đó là bao bì, nhãn mác tuy đã được đầu tư nhưng chưa chuyên nghiệp, chưa bắt mắt.
Theo các chuyên gia, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở đô thị lớn là những thị trường quan trọng cho tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước. Nếu nông sản của các hợp tác xã và doanh nghiệp phân phối vào được các siêu thị, cửa hàng tiện lợi thì sẽ chinh phục được thị trường nội địa và chắp thêm đôi cánh cho nông sản Việt thâm nhập vào thị trường thế giới.
Nguồn: congthuong.vn