Nhiều loại sợi, vải tự nhiên của Việt Nam xuất hiện tại triển lãm quốc tế

Nhiều loại vải có chất liệu tự nhiên như sợi cây gai xanh, sợi dứa, tơ sen… được các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu tại triển lãm quốc tế.

Tại triển lãm Quốc tế vải cao cấp với chủ đề “Dệt may Việt Nam: Mạnh hơn – thông minh hơn – xanh hơn” vừa được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, nhiều mẫu vải mới, thịnh hành được sự đoán sẽ trở thành xu hướng xuân – hè năm 2024.

Đây là triển lãm đầu tiên của ngành dệt may trong năm 2023 trong bối cảnh toàn ngành dệt may đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19, hướng đến mục tiêu phát triển ngành dệt may gắn với kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và chuyển đổi số.

Triển lãm đã thu hút được hơn 200 đơn vị tham gia triển lãm với hơn 1.500 mẫu vải được trưng bày.

Nổi bật tại triển lãm là các loại vải có chất liệu tự nhiên do các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu như sợi cây gai xanh của Tập đoàn gai Thiên Phước Ramie, sợi dứa của ECOSOI, tơ sen của Lụa Sen Đồng Tháp…

Chị Huỳnh Ngọc Như – nhà sáng lập lụa sen Đồng Tháp cho biết, các sản phẩm của đơn vị đều là sợi tơ sen thuần tự nhiên dệt lụa. Sợi tơ sen được khai thác từ thân cây sen, ngắt ra kéo sợi, nhờ đó có thuộc tính mảnh, bông, nhẹ và thơm tự nhiên. Lụa tơ sen làm thủ công hoàn toàn, tôn vinh giá trị thuần tự nhiên và tài nguyên bản địa của tơ sen, từ đó giúp Huỳnh Như và lụa sen Đồng Tháp vừa giữ gìn nghề truyền thống dệt lụa của địa phương, vừa đảm bảo yếu tố môi trường và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó là những xu hướng họa tiết, công nghệ tiên tiến nhất trong ngành dệt may như vải kết hợp công nghệ ảo hóa, công nghệ 3D, vải chức năng có thành phần từ nguyên liệu tái chế như vỏ sò, cà phê… Qua đó cho thấy xu hướng “xanh hóa” đang diễn ra mạnh mẽ trong ngành dệt may Việt Nam.

Triển lãm cũng giới thiệu tới khách tham quan “thư viện vải” đầu tiên tại Việt Nam với hơn 20.000 mẫu vải trên toàn thế giới… cùng trung tâm dữ liệu cung cấp những thông tin mới nhất về thị trường, nguồn hàng, giải pháp kinh doanh… trong ngành.

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng Viện Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho biết, dệt may là một trong những ngành tiêu thụ nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, có cường độ phát thải khí nhà kính cao. Với các chính sách của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO với các yếu tố về môi trường – phát triển bền vững được xem là ưu tiên hàng đầu, dệt may thuộc nhóm sản phẩm phải tuân thủ các tiêu chuẩn “xanh hoá” trong sản xuất. Theo đó, chuyển đổi kinh tế tuần hoàn ngành dệt may chính là giải pháp quan trọng đảm bảo mục tiêu “xanh hoá” của ngành.

Cũng theo TS. Nguyễn Hồng Quân, thông qua triển lãm để cùng thảo luận và đề xuất các mô hình, khả năng liên kết các bên cùng thực thi và cam kết chuyển đổi kinh tế tuần hoàn, hướng đến xanh hoá Dệt may Việt Nam. Bên cạnh đó, phải có sự phối hợp giữa các chủ thể như Nhà nước, Doanh nghiệp, Nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và các bên có liên quan thì còn cần sự cộng đồng trách nhiệm, cùng tham gia giữa các ngành, lĩnh vực như: nông nghiệp, công thương, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, công nghệ số,…trong quá trình Chuyển đổi xanh ngành Dệt may Việt Nam.”

Để có thể “xanh hóa” thành công, ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng ngành dệt may cần có sự đột phá về công nghệ và nhận thức để tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường. “Sản phẩm dệt may không những cần chất lượng và giá cả hợp lý, mà còn cần tái chế được sau khi sử dụng” – ông Nam nhấn mạnh.

Nguồn: congthuong.vn