Nhiều người “sa bẫy” từ “chiêu” tuyển cộng tác viên online trả hoa hồng cao
Dù đã được cảnh báo nhiều, song với thủ đoạn lừa đảo thông qua chiêu thức tuyển cộng tác viên online được trả hoa hồng cao làm nhiều người mê muội và “sập bẫy”.
“Bẫy” việc nhẹ lương cao
Như Báo Công Thương đã đưa, thời gian qua, rất nhiều người dân đã bị sập bẫy lừa đảo từ hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online cho các sàn thương mại điện tử. Nhiều người thậm chí mất trắng cả tỷ đồng. Cụ thể, theo Công an Hà Nội, một trong số những vụ lừa đảo liên quan đến vấn đề này là trường hợp của chị N. (1993) ở quận Cầu Giấy, Hà Nội đã mất 1 tỷ đồng từ việc làm cộng tác viên chạy quảng cáo cho các sàn thương mại điện tử Tiki, Shopee. Hay như chị L.T.T. (Hà Nội) cũng bị lừa theo hình thức như trên, số tiền mất lên đến 1,3 tỷ đồng.
Cũng theo phản ánh tới Báo Công Thương, chị N.P.A (quê Thái Bình) cho biết, vừa qua chị đã bị lừa mất gần 100 triệu đồng từ việc đăng ký làm việc online tại nhà. Theo chị A., do ở nhà nuôi con nhỏ quá lâu không có việc làm, đầu tháng 6, chị A. có nhận được tin nhắn tuyển dụng cộng tác viên của trang thương mại điện tử Lazada, không cần kinh nghiệm, chỉ cần có điện thoại và thẻ ATM.
Theo liên hệ từ số điện thoại trong tin nhắn, chị A. gọi và có một người xưng là tư vấn của Công ty Lazada giới thiệu công việc và mức hoa hồng khá hấp dẫn cho chị A.
Cũng muốn thử làm để kiếm thêm thu nhập, chị A. được người nhân viên này hướng dẫn về quy trình công việc và thao tác thanh toán cho các đơn hàng với hứa hẹn chị sẽ được nhận lại mức hoa hồng 10%-20%/đơn hàng.
Khi thực hiện đơn hàng đầu tiên tôi phải thanh toán là 300.000 đồng, sau 10 phút họ sẽ hoàn lại cả gốc và 30.000 đồng tiền hoa hồng rất nhanh chóng. Với đơn hàng thứ 2 cũng tương tự. Tuy nhiên, ở những đơn hàng sau, đa số là những đơn hàng có giá trị như xe máy, tủ lạnh, ti vi… lên đến cả vài chục triệu đồng.
“Làm được một tuần, tiền bên họ chi trả rất đều, nhưng càng về sau đơn hàng được phía công ty yêu cầu toàn đắt tiền như xe máy, tivi… Khi mình trót lỡ thanh toán 1-2 đơn hàng có giá trị, họ bắt đầu “găm” không trả gốc và lãi. Đâm lao tin tưởng sẽ nhận lại được số tiền, mình ham gỡ thì càng lún sâu. Đến khi mất đến 100 triệu đồng không còn khả năng xoay xở mở thì mình mới sực tỉnh” – chị A. giãi bày.
Tương tự, chị Thu Hương (ở Hải Dương) cũng bị lừa gần 20 triệu đồng với chiêu thức tuyển cộng tác viên bán hàng online. Chị cho biết phía công ty tuyển dụng cũng thông báo chị được tuyển vào làm cộng tác viên thử việc và chị phải hoàn tất ba đơn hàng. Ở hai đơn hàng trước với số tiền nhỏ, chị được rút tiền gốc và hoa hồng. Đến đơn hàng thứ ba trị giá 18,6 triệu đồng chị đã hoàn thành nhưng hệ thống báo đóng băng, chị không rút được tiền vốn và hoa hồng.
Chị Hương cho biết: “Họ yêu cầu chỉ ba đơn hàng nhưng khi tôi hoàn thành ba đơn rồi thì họ bắt tôi phải làm đơn thứ tư với số tiền 38,5 triệu đồng mới rút được tiền. Tôi thấy số tiền này quá lớn nên không thực hiện và chấp nhận mất số tiền của đơn hàng thứ ba”.
Tương tự, theo phản ánh của chị B.B.H. (29 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, thời gian qua, chị thường xuyên nhận được hàng loạt tin nhắn từ Amazon, Tiki, Shopee, Lazada,… với nội dung cần tuyển cộng tác viên bán hàng, làm việc tại nhà, xử lý đơn hàng trên nền tảng ứng dụng. Những tin nhắn đó ngoài lời mời chào tham gia hệ thống còn thường kèm theo khoản thu nhập từ hàng trăm nghìn đến cả triệu đồng, nhận tiền ngay trong ngày vô cùng hấp dẫn khiến người tiêu dùng choáng ngợp.
Tuy nhiên, may mắn là chị H. đã lên mạng tìm hiểu và được biết, đây là hình thức kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro, bằng chứng từ việc đã có quá nhiều người bị mất trắng tiền vì tin theo lời mời chào hấp dẫn này.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), những năm gần đây, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ và trở thành kênh bán hàng mang lại nhiều lợi ích. Thời gian qua, trên cả nước đã xuất hiện nhiều sàn thương mại điện tử thu hút lượng khách hàng lớn như: Sen đỏ, Lazada, Tiki, Shopee….
Với sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng chỉ cần ở nhà, truy cập internet, thực hiện vài thao tác đơn giản là có thể đặt hàng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực thì giao dịch qua thương mại điện tử hay mua hàng trực tuyến vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, như bị lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản, bị lừa đảo.
Thực tế cho thấy, nhiều người do gặp khó khăn trong cuộc sống với mong muốn tìm việc làm nên tìm kiếm thông tin việc làm qua các trang mạng xã hội. Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu đã dùng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của người khác dưới hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online. Đây chỉ là một trong rất nhiều kiểu lừa đảo trực tuyến đang xuất hiện thời gian vừa qua. Đa phần, các đối tượng lừa đảo luôn nhằm vào việc lấy tiền của người sử dụng thông qua các chiêu thức lừa đảo tinh vi khác nhau, để dẫn dụ người dùng tin tưởng, quan tâm, rồi tự nguyện làm theo…
Trước thực trạng này, đại diện các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee… cho biết, thời gian qua, có việc giả mạo thương hiệu để tuyển cộng tác viên bán hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng. Theo đó, mặc dù các sàn thương mại điện tử đã nhiều lần đưa ra cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như các kênh truyền thông chính thống, song không thể loại bỏ được những tin nhắn, bài đăng mạo danh.
“Tiki không có hình thức tuyển cộng tác viên đặt đơn hàng để nâng cao thứ hạng nhà bán, chia sẻ hoa hồng hay kêu gọi đầu tư hợp tác… Chúng tôi mong rằng khách hàng nên thận trọng với tất cả nội dung, bài đăng tuyển dụng có yêu cầu để lại thông tin cá nhân, đóng phí, đặt cọc nhận thưởng… mà không thông qua các tài khoản và kênh thông tin chính thức của Tiki” – đại diện Tiki cho hay.
Về phía Shopee cũng thông tin, đơn vị đã ghi nhận tình trạng trên và liên tục gửi cảnh báo khách hàng không nên tham gia các hoạt động nạp tiền, hứa hẹn được trả hoa hồng. Ngoài ra, Shopee cũng không thực hiện bất kỳ giao dịch hoặc cung cấp thông tin nào bên ngoài ứng dụng và website/trang thông tin chính thức của Shopee, khuyến khích người dùng nhanh chóng báo cáo với Shopee khi nhận thấy hoạt động đáng ngờ.
Cách thức tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi
Báo cáo mới nhất của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tình hình an toàn thông tin tại nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp. Các cuộc tấn công, gián điệp, tội phạm mạng gia tăng nhằm phá hoại hệ thống thông tin, đánh cắp dữ liệu ngày càng có tổ chức, tinh vi, gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong quý 1/2022, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý gần 3.700 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin, tăng gần 3% so với quý 4 năm ngoái. Các đối tượng tấn công mạng lừa đảo thường xuyên phát tán mã độc, lừa đảo qua chat, qua email nhằm chiếm đoạt thông tin người dùng.
Bên cạnh đó, Cục cũng đưa hàng loạt khuyến nghị, để tránh không bị lừa đảo dẫn đến mất mát, bị chiếm đoạt tài sản, người dân cảnh giác với những lời mời chào tuyển làm cộng tác viên bán hàng online. Đồng thời, người dân cũng cần thường xuyên chia sẻ, cảnh báo với người thân, bạn bè và mọi người xung quanh về những phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng dưới hình thức tuyển cộng tác viên online.
Theo các chuyên gia, đặc điểm giúp nhận biết hình thức lừa đảo trực tuyến người dân cần chú ý là hầu hết nguồn liên hệ của các thông báo, tin nhắn, cuộc gọi đó thường đến từ những nguồn không xác định rõ ràng, thậm chí cả địa chỉ đăng ký máy chủ từ nước ngoài…
Liên quan đến vấn đề này, theo Bộ Công an, hành vi sử dụng mạng Internet để môi giới việc làm nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Hành vi này sẽ bị xử lý theo Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Thời gian qua, Cơ quan Công an đã phát hiện và xử lý rất nhiều những vụ việc liên quan đến hành vi này. Về tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, mặc dù thủ đoạn không mới, song cách thức tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, với số lượng lớn bị hại tham gia tại nhiều địa phương trên cả nước, nổi lên với các thủ đoạn như: Đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng trực tuyến, nhận việc làm tại nhà, bỏ tiền tạm ứng hoặc thanh toán trước đơn hàng, sau đó được nhận tiền công cộng với lãi đơn hàng và tiền thưởng. Tuy nhiên, sau khi thanh toán đơn hàng và đặt hàng, người lao động bị chiếm đoạt số tiền tạm ứng hoặc thanh toán đơn hàng.
Các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng lòng tham, ham muốn kiếm tiền một cách dễ dàng hay tâm lý e ngại đối với việc liên quan đến vi phạm pháp luật để hù dọa người dân nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, người dân cần tỉnh táo trước các lời mời gọi việc nhẹ lương cao, chiết khấu hoa hồng cao, mời tham gia các kênh đầu tư lợi nhuận lớn hơn 20% một năm. Đồng thời hết sức cảnh giác đối với các cuộc gọi, thông báo từ người tự xưng là người trong cơ quan pháp luật.
“Để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần chủ động nâng cao nhận thức, kiến thức thông qua các phương tiện truyền thông về các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Nếu nhận được thông tin liên quan đến vi phạm pháp luật thì phải đến cơ quan công an, văn phòng luật sư hoặc người hiểu biết pháp luật để trao đổi, cung cấp thông tin” – Bộ Công an khuyến cáo.
Ngoài ra, nhằm tăng cường công tác phòng chống loại tội phạm này, Công an tại nhiều tỉnh thành như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Bình Dương… cũng đã từng khuyến cáo người dân cần tuyệt đối cảnh giác đối với các quảng cáo tuyển người làm việc online, đặc biệt là cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử. Nếu phát hiện các trường hợp lừa đảo thì báo ngay cho cơ quan công an để xác minh, ngăn chặn và xử lý.
Không có chuyện làm việc tại nhà, làm việc online nhẹ nhàng mà lương cao, đa số là bẫy lừa trên mạng, người dân cần nhận thức rõ điều này và hết sức cảnh giác khi tìm các công việc liên quan đến kinh doanh online. Khi đặt mua hàng hóa, làm cộng tác viên kinh doanh online, người dân cần tìm hiểu rõ các thông tin về hàng hóa, địa chỉ công ty, doanh nghiệp mình cộng tác để có thông tin chính xác.
Nguồn: congthuong.vn