Thị trường hàng hóa hôm nay 23/10 và nhìn lại tuần qua: Biến động giá dầu thô và nông sản
Thị trường hàng hóa hôm nay 23/10 và tổng kết tuần từ 17 đến 23/10 ghi nhận sự biến động của giá dầu thô và nông sản.
Giá cà phê liên tục sụt giảm
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), đầu tuần vừa qua ghi nhận mức sụt giảm của cà phê Arabica với con số lên đến 10%
Chốt tuần vừa qua, sắc đỏ áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý, đà giảm mạnh của cả 2 mặt hàng cà phê đã đẩy giá Arabica chạm mức thấp nhất trong 3 tháng trở lại đây và Robusta xuống mức thấp nhất trong hơn 2 tháng qua.
Nguồn cung cà phê tại Brazil đang dần cho thấy những tín hiệu tích cực khi mưa lớn được dự báo sẽ tiếp tục xảy ra tại Minas Gerais, vùng trồng cà phê chính của Brazil, sẽ đưa đến triển vọng tích cực hơn về sản lượng cà phê trong năm tới. Bên cạnh đó, số liệu xuất khẩu cà phê trong tháng 09 của quốc gia xuất khẩu số 1 thế giới cũng rất tích cực với mức tăng 18% của cà phê Arabica so với tháng trước. Kết hợp với việc đồng Real giảm mạnh hơn 2,42% trong tuần qua đã thúc đẩy lực bán từ phía nông dân Brazil, từ đó khiến lực bán trở nên áp đảo trên thị trường, đặc biệt là trong 3 phiên cuối tuần, đẩy giá mặt hàng này về mức 196,70 cents/pound, tương đương mức giảm 21,40 cents so với tuần trước.
Sự sụt giảm trên thị trường thế giới khiến ở thị trường nội địa cùng chiều với giá thế giới. Đầu tuần, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên vào Nam Bộ dao động trong khoảng 44.500 – 45.000 đồng/kg, giảm tương đối mạnh 1.800 – 1.900 đồng/kg so với đầu tuần trước, sau liên tiếp các phiên đi xuống. Tỉnh Lâm Đồng thu mua cà phê với mức giá thấp nhất là 44.500 đồng/kg, giảm 1.900 đồng/kg. Tỉnh Đắk Lắk đạt 45.000 đồng/kg sau khi giảm 1.800 đồng/kg. Ba tỉnh trọng điểm còn lại là Gia Lai, Đắk Nông và Kon Tum cũng điều chỉnh giá xuống chung mức 44.800 đồng/kg, cùng giảm 1.900 đồng/kg.
Giá kim loại biến động
Giá kim loại cũng có một tuần biến động lớn. Đầu tuần, giá bạc gặp áp lực mạnh nhất do vai trò công nghiệp cũng gặp nhiều sức ép bên cạnh vai trò trú ẩn. Giá đồng COMEX liên tục đảo chiều tăng giảm trong hầu hết các phiên giao dịch khi một bên là sức ép từ nền kinh tế vĩ mô, một bên là rủi ro nguồn cung từ Chile do gián đoạn vận chuyển đồng cũng như lo ngại dòng chảy kim loại từ Nga.
Đến cuối tuần, giá bạc phục hồi sau 2 phiên giảm liên tiếp, với mức tăng 1,8% lên 18,69 USD/ounce. Bạch kim là mặt hàng đón nhận lực mua tích cực nhất nhóm kim loại trong phiên hôm qua, đóng cửa tại mức giá 915,1 USD/ounce sau khi tăng 3,86%.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX ghi nhận phiên tăng mạnh 2,79% lên mức 3,41 USD/pound khi dự báo từ Nhóm Nghiên cứu Đồng quốc tế cho biết thị trường đồng sẽ thâm hụt khoảng 325,000 tấn đồng trong năm 2022, trong bối cảnh tốc độ tăng sản lượng chậm hơn tổng nhu cầu, bất chấp tiêu thụ vẫn còn đang gặp nhiều trở ngại vì sức ép vĩ mô và nền kinh tế Trung Quốc suy yếu. Báo cáo từ Cục Thống kê Kim loại thế giới cho biết, trong 8 tháng đầu năm, thị trường đồng toàn cầu ghi nhận mức thâm hụt 657.000 tấn. Lo ngại về nguồn cung thiếu hụt đã thúc đẩy giá đồng phục hồi mạnh trong phiên.
Trái lại, quặng sắt giảm 2,44% do lo ngại về nhu cầu trên thế giới tiếp tục suy yếu. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, dự báo nhu cầu thép toàn cầu sẽ giảm 2,3% trong năm nay so với năm 2021 do cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu và sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc. Thông tin này đã gây sức ép tới nhu cầu tiêu thụ sắt, nguyên vật liệu đầu vào quan trọng của ngành thép.
Nguồn: congthuong.vn