Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê bền vững gắn với tăng trưởng xanh
Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp trong nước và quốc tế đóng góp nhiều ý kiến quan trọng xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê bền vững gắn với tăng trưởng xanh.
Thách thức xây dựng nền nông nghiệp phát triển xanh và bền vững
Sáng 12/3 tại thành phố Buôn Ma Thuột, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà chia sẻ, sản xuất cà phê của Việt Nam cũng như tỉnh Đắk Lắk vẫn đang gặp nhiều thách thức như: ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, diện tích sản xuất nhỏ lẻ manh mún; khai thác đất quá mức, lạm dụng phân vô cơ, chưa được xử lý triệt để chất thải, thiếu tính bền vững; phần lớn sản xuất chưa phát triển theo hướng chuỗi giá trị, nhiều HTX được thành lập nhưng chất lượng và hiệu quả hoạt động còn hạn chế; kết cấu hạ tầng sản xuất thiếu đồng bộ, đặc biệt là cơ sở chế biến chưa đáp ứng được thực tế tiễn sản xuất; sản phẩm chủ yếu chế biến thô, thiếu chế biến sâu nên chưa nâng cao được giá trị gia tăng cho ngành hàng cà phê.
“Đây rõ ràng là thách thức lớn nhưng chúng ta cũng nên nhìn nhận như là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê thay đổi cách nhìn về một nền nông nghiệp phát triển xanh và bền vững”, ông Nguyễn Tuấn Hà nhận định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cũng chia sẻ: Với quan điểm “Less in more” (ít hơn nhưng được nhiều hơn) hoặc “More from less” (được nhiều hơn từ cái ít hơn), cùng với xu hướng tiêu dùng cà phê chất lượng cao, minh bạch, bảo vệ môi trường sinh thái sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho ngành hàng cà phê Đắk Lắk cũng như cả nước. “Kịp thời nắm bắt cơ hội này và có chiến lược phù hợp, giúp chúng ta không phải tăng sản lượng mà vẫn có thể thu về giá trị thương mại cao hơn bằng cách tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng tiêu chí xanh và bền vững theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, gắn với mô hình kinh tế nông nghiệp phù hợp, qua đó nắm được lợi thế trên thị trường cũng như có thể chủ động định hình trong chuỗi giá trị ngành ngành hàng cà phê trong giai đoạn tiếp theo”, ông Nguyễn Tuấn Hà lưu ý.
Nhiều giải pháp thúc đẩy xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê bền vững gắn với tăng trưởng xanh
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp sản xuất cà phê trong nước, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong và ngoài nước đã trình bày những tham luận trình bày thách thức, cơ hội và các đề xuất để thực hiện mục tiêu phát triển cà phê Việt Nam chất lượng cao.
Ông Lê Văn Đức – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đề xuất 8 giải pháp phát triển cà phê chất lượng cao của Việt Nam, đó là: Hỗ trợ các chương trình cho tỉnh về tập huấn kỹ thuật, giống, mô hình trồng mới, các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến tiến, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm vật tư đầu vào và phát thải cho người sản xuất, truy xuất nguồn gốc, HTX nhằm cải tạo vườn cà phê đã già cỗi góp phần nâng cao năng suất chất lượng cà phê.
Bên cạnh đó, xây dựng Chương trình, Dự án khảo nghiệm để lựa chọn ra các giống cà phê mới phù hợp với yêu cầu sinh thái và vượt trội về năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu phục vụ cho tái canh diện tích cà phê già cỗi và trồng mới để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê; Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, cải tạo đất để gìn giữ và duy trì tính chất lý hóa của đất; kiểm soát điều kiện đất đai, nguồn nước và các yếu tố khác để bảo vệ vùng trồng cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản; Khuyến khích các trang trại, hộ sản xuất hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm hình thành chuỗi liên kết trong đầu tư phát triển vùng nguyên 27 liệu, thu mua nguyên liệu đầu vào, trao đổi kỹ thuật sản xuất, tiếp cận chuyển giao khoa học công nghệ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cà phê.
Cùng với đó, hỗ trợ công nghệ cơ khí hóa, tự động hóa trong chế biến chế biến sâu bảo quản đảm bảo chất lượng cà phê đặc sản có hương vị đặc trưng riêng, đáp ứng nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
Cụ thể, nâng tỷ lệ cà phê chế biến ướt từ 10% hiện nay lên 30%; tỷ lệ cà phê hoà tan, cà phê rang xay đạt 25% sản lượng; Hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tạo dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu cà phê đặc sản, nâng cao giá trị cho sản phẩm cà phê và tăng thu nhập cho người sản xuất.
Bên cạnh đó, ông Lê Văn Đức cũng gợi ý Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay phục vụ tái canh cà phê, để tạo điều kiện cho người sản xuất và các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, thực hiện tái canh cà phê đạt kết quả; Hỗ trợ kinh phí để sản xuất, chứng nhận cà phê chất lượng cao, phát triển thương hiệu cà phê đặc sản và đặc sản đạt tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu của các thị trường trọng điểm.
Ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (VICOFA) nhận định: Ngành cà phê Việt Nam còn nhiều thách thức về cán cân cung cầu cà phê; sự thịnh vượng của người trồng cà phê; Trách nhiệm giải trình; Tiêu dùng nội địa; Biến đổi khí hậu và các quy định mới của các nước nhập khẩu. Tuy nhiên, đó cũng là những cơ hội cho ngành cà phê việt khi Quản lý kinh doanh ngày càng tốt hơn; Các biện pháp thực hành sản xuất tốt được áp dụng rộng rãi; Thế hệ trẻ yêu thích cà phê; Ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh cà phê; Các mô hình sản xuất bền vững Nông – Lâm kết hợp và ứng dụng nông nghiệp sinh thái.
“Về sản xuất, ngành cà phê Việt cần tăng cường áp dụng thực hành sản xuất tốt, bền vững; Tăng cường liên kết chuỗi sản xuất giữa các doanh nghiệp và người nông dân; Mở rộng diện tích trồng Arabica ở nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp; Sử dụng các bộ giống tốt đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận; Hỗ trợ các chương trình đào tạo, tập huấn đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường nhập khẩu. Về Thương mại, cần tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các nước nhập khẩu; Thúc đẩy quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao; Tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại; Cung cấp thông tin về thị trường”, Phó chủ tịch Vicofa Bách Thanh Tuấn kiến nghị giải pháp phát triển ngành cà phê Việt Nam.
Ông Vũ Đình Khiêm – Tổ chức sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương và Vicofa: Để phát triển ngành cà phê Việt Nam gắn với tăng trưởng xanh và bền vững, cần: Xây dựng chính sách huy động, lồng ghép nguồn lực từ các bên, cùng với của nhà nước để nhân rộng “Vùng nguyên liệu nông nghiệp bền vững, phát thải thấp, quy mô lớn” tại khu vực Tây Nguyên, được các nhà mua và thị trường nhập khẩu công nhận; Thử nghiệm hệ thống thẩm định sản phẩm cà phê không mất rừng, tổng hợp và đề xuất với Liên minh Châu Âu về hệ thống có thể áp dụng được ở Việt Nam. Đồng thời, thông qua Vicofa hình thành kênh/diễn đàn chia sẻ các kết quả về tiếp cận cảnh quan, từ đó xây dựng lộ trình và kế hoạch can thiệp cùng các thành viên chủ chốt của VICOFA.
Với tư cách là đơn vị xuất khẩu cà phê hàng đầu của tỉnh Đắk Lắk, hàng năm xuất khẩu 120.000 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu đạt 250 triệu USD/năm, ông Lê Đức Huy – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) đã đóng góp 5 ý kiến nhằm xây dựng chuỗi giá trị cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản xứng tầm đất nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới.
Đó là: Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đáp ứng các tiêu chuẩn mới của nước nhập khẩu; Quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp theo hướng liên kết, hình thành các cụm công nghiệp phụ trợ để kêu gọi các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư hệ thống chế biến sâu từ cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản: rang xay, hoà tan ngay tại vùng Tây Nguyên; Xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông, logistics để vận chuyển cà phê về các trung tâm sơ chế và chế biến tập trung; Thực hiện quảng bá thương hiệu và chất lượng cà phê Việt Nam để giới thiệu mạnh đến người tiêu dùng toàn thế giới; Xây dựng trung tâm đào tạo chuyên ngành cà phê nhằm cung cấp một lực lượng lao động có tay nghề để đáp ứng cho nhu cầu của ngành cà phê trong giai đoạn mới.
Tại Hội thảo, đại diện các thị trường tiêu thụ quốc tế đã giới thiệu những cơ hội hợp tác, kinh doanh để doanh nghiệp sản xuất cà phê tại Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung hiểu thêm.
Theo đó, giới thiệu thị trường cà phê Trung Quốc và cơ hội cho sản phẩm cà phê Việt Nam, bà Lucy Fu – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Trung Quốc chia sẻ: Xu hướng sử dụng cà phê trong đời sống người dân Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, đặc biệt phổ biến dòng cà phê giá thấp. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng cà phê vào bữa sáng đang phổ biến hơn đối với giới trẻ và người dân thành thị, đây là phân khúc khách hàng tiềm năng, mở ra cơ hội mở rộng thị trường cà phê và tiêu thụ cà phê của doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc. Đặc biệt, cà phê hương vị trái cây đang trở thành xu hướng tiêu dùng của người Trung Quốc.
“Tôi mong đợi có sự hợp tác hơn nữa giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực cà phê để có được thêm cơ hội kinh doanh cùng nhau, đối với thị trường tiềm năng như Trung Quốc”, bà Lycy Fu kỳ vọng.
Trong khuôn khổ sự kiện, còn có hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp; quảng bá về tiềm năng thế mạnh, cơ hội đầu tư vào sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ cà phê của tỉnh Đắk Lắk và những địa phương khác; tổ chức giao thương để kết nối các đơn vị sản xuất cà phê với các đơn vị xuất khẩu, các tổ chức xúc tiến thương mại và đặc biệt là các nhà nhập khẩu nước ngoài.
Đề cao yếu tố văn hóa, yếu tố trải nghiệm trong ngành hàng cà phê
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan biểu dương và ghi nhận những đóng góp, ý kiến của các chuyên gia, đại biểu tại Hội thảo. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Những ý kiến đóng góp của các đại biểu là “tài liệu quý” để sau khi hội thảo kết thúc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hoàn thiện chương trình phát triển cà phê trong thời gian sắp tới với xu thế mới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra ví dụ của thương hiệu cà phê quốc tế thành công trong việc nâng tầm giá trị của ly cà phê trở thành sản phẩm trải nghiệm. Qua đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý: Ngành hàng cà phê Việt Nam đang trên đà tăng trưởng, và cần tăng giá trị hơn nữa, không chỉ dừng lại ở chế biến sâu hay đa dạng sản phẩm, mà cần đề cao yếu tố văn hóa, yếu tố trải nghiệm.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng gợi mở: Bên cạnh khoa học công nghệ còn khoa học xã hội nhân văn, từ đó tích hợp yếu tố văn hóa vào cà phê, để trở thành “của quý” cộng hưởng, làm tăng giá trị cà phê. Nếu làm được điều này, Việt Nam không chỉ là bán cà phê mà bán cả “cảnh quan cà phê” để làm du lịch.
Nguồn: congthuong.vn