300.000 cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở Phình Hồ – Yên Bái

Vùng chè shan mang chỉ dẫn địa lý “Phình Hồ” được đánh giá là một trong 10 vùng chè nguyên liệu ngon nhất Việt Nam. Với hơn 300.000 cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, nơi đây, bốn mùa mây mù che phủ, khí hậu mát mẻ quanh năm, thuận lợi cho cây chè shan phát triển tự nhiên, chắt lọc những tinh túy của trời đất tạo nên một loại chè thơm ngon tinh khiết đến lạ thường.

Ngày 09/11/2021 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 5158/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00112 cho sản phẩm chè shan “Phình Hồ”. Ủy ban nhân dân huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Chè mang chỉ dẫn địa lý “Phình Hồ” là giống chè shan được trồng ở  khu vực có độ cao trung bình từ 1.100 mét đến 1.300 mét so với mực nước biển, nhờ đó vùng này có chế độ tiểu khí hậu khác biệt so với các vùng chè shan khác. Các nghiên cứu về chè Shan đã chỉ ra rằng ở những nơi có độ cao lớn thì biên độ nhiệt độ ngày đêm lớn, khu vực địa lý có biên độ nhiệt ngày và đêm từ 8°C đến 10°C, ánh sáng yếu, thời gian chiếu sáng trong ngày ngắn, khí hậu ẩm và có nhiều mây mù nên đã tạo ra trong chè hàm lượng chất thơm cao hơn những nơi có độ cao thấp. Chính vì vậy, các sản phẩm chế biến từ nguyên liệu chè san Phình Hồ có mùi thơm mạnh hơn các sản phẩm của các khu vực địa lý khác. Chè shan “Phình Hồ” được trồng ở địa hình có độ dốc trên 25o, thuận lợi cho tiêu thoát nước mưa tầng mặt. Đồng thời, sườn núi cao đón được gió ẩm và che bớt nắng rát buổi chiều từ hướng Tây nên chế độ bức xạ, nhiệt độ, độ ẩm thích hợp cho cây chè shan phát triển tốt. Đất đai khu vực trồng chè shan “Phình Hồ” giàu Kaolinit, Sắt nên tạo cho chè shan nguyên liệu có hàm chất tan và axit amin cao. Thổ nhưỡng có thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến thịt nặng, độ dày tầng đất hữu hiệu lớn hơn 30 cm, độ pHKCl nhỏ hơn 5, Cation trao đổi nhỏ hơn hoặc bằng 16 me/100g đất.

Nhờ điều kiện tự nhiên đặc thù như vậy, chè xanh, hồng trà, chè trắng, chè phổ nhĩ mang chỉ dẫn địa lý “Phình Hồ” có những đặc trưng sau:

Chè xanh có cánh chè to, đều, xoăn chặt, lộ tuyết. Mùi thơm mạnh đặc trưng. Khi pha có màu nước xanh và vàng sáng. Vị chè xanh chát, đắng nhẹ và có vị ngọt hậu rõ. Hàm lượng chất hòa tan từ 51,2% đến 54,4%, hàm lượng axit amin từ 2,85% đến 4,62%, hàm lượng cafein 3,56% đến 4,73%, hàm lượng catechin tổng số (mg/g) 148 mg/g đến 173 mg/g, hàm lượng đường khử 3,4% đến 3,8%.

Hồng trà có cánh chè to, xoăn chặt, màu nâu đỏ. Mùi thơm mát. Khi pha nước có màu đỏ cam. Vị hồng trà chát dịu, ngọt sâu. Hàm lượng chất hòa tan 47,3% đến 50,6%, hàm lượng tanin 15,4% đến 17,8%.

Chè trắng có cánh to, đều, không gãy, có cánh bạc lộ tuyết, lá chè khô. Mùi thơm nhẹ tự nhiên. Khi pha nước có màu trắng đục, vàng nhẹ. Vị ngọt, thanh và chát nhẹ. Hàm lượng đường khử từ 2,9% đến 3,4%.

Chè phổ nhĩ dạng rời có cánh chè xoăn đều, có tuyết, không vụn. Chè dạng bánh nhẵn đều, độ dày đều nhau, ép chặt. Mùi hương gỗ đặc trưng. Khi pha nước có màu vàng sáng đến vàng đậm, hung đỏ hoặc màu rượu vang đỏ. Vị chát dịu, ngọt hậu rõ. Hàm lượng chất hòa tan lớn hơn 38%, hàm lượng tannin từ 12,2% đến 15%.

Theo Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế, để có được đặc thù như vậy, ngoài điều kiện tự nhiên phù hợp, kinh nghiệm của người dân địa phương cũng góp phần tạo nên danh tiếng của chè shan nơi đây. Trong quá trình sản xuất, người dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, hạn chế việc đốn, tỉa đặc biệt là đốn đau nên thời gian tích lũy dinh dưỡng trong cây dài, tạo búp chè có chất lượng cao. Chè được thu hái chè hoàn toàn bằng tay với tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá non, mỗi năm chỉ thu hái từ 3- 4 lần. không tận thu. Để tạo màu trắng đục của chè trắng, người dân phơi chè rất tỉ mẩn, chỉ phơi dưới nắng nhẹ đến khoảng 10h vào buổi sáng và luôn duy trì độ ẩm ổn định ở mức 12% đến 13% đối với chè phổ nhĩ thành phẩm.

Khu vực địa lý: Xã Phình Hồ và xã Làng Nhì thuộc huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.

Nguồn: http://www.moit.gov.vn