Đưa nông sản, thực phẩm ra thị trường nước ngoài: Chất lượng là yếu tố tiên quyết
Chất lượng chính là nguyên nhân quan trọng khiến nông sản, thực phẩm Việt Nam hiện diện trên thị trường nước ngoài chưa nhiều, ngay cả tại các thị trường nước ta đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Chưa có ở hệ thống phân phối lớn
Tại Hội nghị quốc tế ngành thực phẩm Việt Nam 2021 diễn ra gần đây, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) – cho biết: Từ năm 2016 đến nay, ngành công nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm (CNTP) đạt mức tăng trưởng bình quân trên 7%/ năm, cao hơn mức tăng GDP và chiếm trên 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) cả nước. Cùng với nhiều FTA thế hệ mới đi vào thực thi, nông sản, thực phẩm của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan, thậm chí lên tới 0% ở nhiều thị trường XK lớn đã mang lại ưu thế cạnh tranh lớn.
Tuy nhiên, thực tế, sản phẩm của ngành CNTP Việt Nam chưa hiện diện nhiều tại nước ngoài, thậm chí ngay cả với những thị trường Việt Nam có FTA. Nguyên nhân chung được đại diện nhiều Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài chỉ ra là: Lạm phát, giá tăng cao, người dân thắt chặt chi tiêu; yêu cầu cao về an toàn vệ sinh thực phẩm và các rào cản về kỹ thuật môi trường, lao động; hệ thống các quy định về tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm phức tạp; cạnh tranh mặt hàng cùng chủng loại đến từ các nước khác; khoảng cách địa lý xa, chi phí vận tải tăng cao; các biện pháp phòng vệ thương mại tại nước sở tại…
Theo ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nông sản, thực phẩm Việt Nam khó quản lý ngay từ khâu sản xuất, trùng lặp sản phẩm. Cùng đó, công nghệ bảo quản chưa phát triển cũng khiến sản phẩm không giữ được chất lượng khi XK sang các thị trường có khoảng cách địa lý xa.
Chung sức từ các bộ, ngành, doanh nghiệp
Để nâng cao giá trị cũng như sự hiện diện nông sản, thực phẩm Việt Nam tại các thị trường XK, cần nhìn nhận và giải quyết 5 vấn đề: Kỹ thuật, kinh tế, dịch vụ, xu hướng tiêu dùng và thể chế. Nếu nhìn chế biến nông sản và thực phẩm là một loại hình dịch vụ, Việt Nam còn thiếu nhiều thị trường, như: Khoa học – công nghệ, công nghiệp hỗ trợ, logistics. Chỉ khi phát triển được các thị trường, dịch vụ chế biến nông sản thực phẩm mới có điều kiện thuận lợi phát triển…
Bày tỏ quan điểm về giải pháp tăng giá trị XK cho sản phẩm của ngành CNTP, ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) – nhấn mạnh: Chế biến sâu, bảo hộ chặt chẽ sở hữu trí tuệ cho mặt hàng nông sản là yếu tố then chốt. Việc đăng ký bảo hộ và chỉ dẫn địa lý trong nước tương đối dễ, nhưng rất khó với thị trường nước ngoài. DN không được tư vấn, hỗ trợ từ các tổ chức chuyên nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cùng đó, đăng ký chỉ dẫn địa lý đã khó nhưng quản lý và sử dụng hiệu quả các đăng ký còn khó hơn rất nhiều. DN phải luôn nỗ lực đảm bảo các quy định về vùng trồng theo chỉ dẫn, ổn định chất lượng sản phẩm. Các địa phương nên rà soát sản phẩm đặc trưng, có danh tiếng để bảo hộ; phối hợp với cơ quan liên quan xác định thị trường trọng điểm và tiến hành đăng ký bảo hộ tại thị trường đó. “Để sản phẩm CNTP tiến chắc ra thị trường nước ngoài, cần sự phối hợp nhuần nhuyễn của các bộ, ngành quảng bá sản phẩm, tăng hàm lượng chế biến, xây dựng thương hiệu, đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với sản phẩm, phát triển nguồn nguyên liệu sạch” – ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Nguồn: congthuong.vn