Hà Nội: Mở rộng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ra các huyện ngoại thành
Ngày 13/12, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thanh Oai và Mỹ Đức tổ chức khai trương 2 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn 2 huyện này.
Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Thanh Oai được khai trương tại Hợp tác xã nông nghiệp Tam Hưng, trưng bày sản phẩm OCOP và tiềm năng OCOP của hợp tác xã: Gạo bắc thơm số 7, gạo nếp cái hoa vàng và sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Thanh Oai quảng bá đến người tiêu dùng, du khách về với du lịch văn hóa, danh thắng trên địa bàn xã Tam Hưng.
Còn tại Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Mỹ Đức được tổ chức tại Công ty TNHH Dệt may Thành Long. Đây là đơn vị có nhiều sản phẩm OCOP nhất, đã được đánh giá phân hạng trên địa bàn huyện với các sản phẩm về khăn dệt. Bên cạnh đó, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP huyện Mỹ Đức tại đây để quảng bá đến người tiêu dùng, du khách đến với làng nghề dệt Phùng Xá.
Ông Nguyễn Ngọc Việt- Bí thư huyện ủy Mỹ Đức- cho biết, việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn huyện đã tác động rất tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới, với gần 20 sản phẩm OCOP, đều là sản phẩm đặc trưng, truyền thống của huyện so với các địa phương khác như: Rượu mơ Hương Tích, lụa tơ tằm, tơ sen…. Việc phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của thành phố trên địa bàn huyện Mỹ Đức nhằm giới thiệu đến quý khách hàng sản phẩm đặc trưng được kiểm soát và đánh giá chất lượng sản phẩm cũng như sự bảo đảm của Nhà nước đối với chất lượng sản phẩm. Đồng thời góp phần thúc đẩy liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng cường quảng bá các sản phẩm rộng rãi trên thị trường trong và ngoài huyện.
Theo lãnh đạo huyện Thanh Oai và Mỹ Đức, sau buổi lễ ngày hôm nay, các huyện sẽ chú trọng công tác phát triển sản phẩm, phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cũng như các chương trình xúc tiến thương mại, tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện được tham gia giao lưu, học hỏi các đơn vị bạn, các mô hình kinh tế hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao trong và ngoài huyện gắn với Chương trình nông thôn mới.
Khẳng định Chương trình OCOP có ý nghĩa lớn trong việc phát triển sản xuất kinh doanh sản phẩm truyền thống, có tiềm năng phát triển tại khu vực nông thôn, khơi dậy tiềm năng của địa phương, tăng thu nhập cho nhân dân tham gia. Để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, phát triển, quảng bá sản phẩm OCOP và Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn 2 huyện Thanh Oai và Mỹ Đức, bà Trần Thị Phương Lan- quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội- đề nghị UBND 2 huyện tiếp tục quan tâm, vận động doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất sản phẩm đặc sản, đặc trưng tại địa bàn đẩy mạnh sản xuất với các mô hình hiệu quả, tham gia xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP.
Sở Công Thương đề nghị Công ty TNHH Dệt may Thành Long và các chủ thể OCOP huyện Mỹ Đức; Hợp tác xã nông nghiệp Tam Hưng và các chủ thể OCOP huyện Thanh Oai tích cực tham gia các hoạt động giao thương, hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại do Sở Công Thương cùng các Sở, ngành tổ chức, luôn ưu tiên cho sản phẩm OCOP tham gia để quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ, thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn thành phố.
Đồng thời mong muốn 2 huyện tiếp tục quan tâm, phát triển thêm các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch, làng nghề để quảng bá vùng đất, sản phẩm của huyện đến đông đảo người tiêu dùng, du khách để ưu tiên trong việc lựa chọn, tiêu dùng sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Nguồn: congthuong.vn