Nông thuỷ sản Việt Nam dần thâm nhập vào các chuỗi bán lẻ lớn của Nhật Bản
Trong thời gian vừa qua, các mặt hàng nông thuỷ sản của Việt Nam đã dần thâm nhập được vào các chuỗi bán lẻ lớn của Nhật Bản. Đây là bước tiến quan trọng đối với hàng xuất khẩu Việt Nam để mở rộng thị trường tại đây.
Những tín hiệu tích cực
Trong thời gian vừa qua, hàng hoá Việt Nam đang dần tiếp cận và xâm nhập vào các chuỗi phân phối lớn của Nhật Bản. Những mặt hàng có chất lượng cao của các doanh nghiệp đạt danh hiệu “Thương hiệu quốc gia” cũng được tăng cường giới thiệu, quảng bá thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. Một số sản phẩm Việt Nam đã thâm nhập thành công vào chuỗi phân phối tại Nhật Bản có thể kể đến các sản phẩm nước dừa, sữa dừa… mang nhãn hiệu VIETCOCO đã được công ty KOME nhập khẩu và phân phối cho chuỗi các cửa hàng bán đồ Việt tại Tokyo và các tỉnh lân cận, hay như sản phẩm cà phê Việt Nam đã được nhập khẩu và bán tại chuỗi siêu thị OK – chuỗi siêu thị bình dân rất được ưa chuộng tại Tokyo.
Cùng với sự đổi mới trong thị hiếu tiêu dùng, người dân Nhật Bản ngày càng quan tâm đến các sản phẩm chất lượng cao được nhập khẩu từ nước ngoài. Các sản phẩm nông thủy sản – thực phẩm của Việt Nam đang ngày càng xuất hiện phổ biến với đa dạng chủng loại trên các kệ hàng của các chuỗi siêu thị lớn tại Nhật Bản như AEON, Donkihote, Itoyokado…
Bên cạnh đó, các trang web bán hàng trực tuyến các mặt hàng nông thuỷ sản của Việt Nam cũng mọc ra để phục vụ người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản và được đón nhận bởi người tiêu dùng tại đây. Theo số liệu thống kê, hiện đang có gần 500.000 sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Do vậy hàng nông thủy sản – thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam ngày càng được biết đến rộng rãi, được cả người Nhật, cộng đồng người Việt và người dân các nước châu Á khác đón nhận và có lượng tiêu thụ tốt tại thị trường Nhật Bản.
Vừa qua, nhằm kêu gọi người Việt tại nước ngoài tiêu dùng hàng Việt, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản. Hai bên đã và đang phối hợp triển khai công tác kết nối đưa hàng Việt vào hệ thống các khu trung tâm thương mại của thành viên Hiệp hội chuyên về hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng… nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của đông đảo cộng đồng người Việt Nam tại Nhật.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, đây là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm nông thủy sản – thực phẩm nước ngoài, bao gồm: cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt và những sản phẩm từ thịt, đậu nành, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê… Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thế mạnh về những mặt hàng nói trên và có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản năm 2021 đạt 1,8 tỷ USD, giảm nhẹ ở mức 0,5% so với năm 2020. Mặc dù mặt hàng chủ lực trong nhóm hàng này là hàng thủy sản có mức giảm 7,4%, các mặt hàng còn lại ghi nhận mức tăng trưởng rất tốt như: cà phê tăng 25,5%; hàng rau quả tăng 20%; hạt điều tăng 39%; hạt tiêu tăng 56%… Một số mặt hàng hoa quả Việt Nam cũng chiếm thị phần lớn và ngày càng phổ biến trên thị trường như thanh long, xoài, dừa, vải…
Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết và là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do như VJFTA, AJCEP, CPTPP, RCEP,… với nhiều cam kết ưu đãi đối với hàng hoá Việt Nam. Đơn cử, hiệp định CPTPP là hiệp định đầu tiên Nhật Bản cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực với khoảng 65% dòng sản phẩm thủy sản; cắt giảm và xóa bỏ thuế quan theo lộ trình 6 – 16 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực với một số dòng thuế thuỷ sản từ Việt Nam. So với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Nhật Bản (VJFTA) đã ký trước đó, cam kết của CPTPP có mức mở cửa mạnh hơn.
Cần lưu ý chất lượng sản phẩm
Nhật Bản dù là một thị trường lớn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam nhưng lại là một thị trường khó tính. Dân số Nhật đang bị già hóa nên xu hướng tiêu dùng của người Nhật Bản đối với hàng nông sản, thực phẩm đặc biệt quan tâm đến yếu tố tác động tới sức khỏe, sau đó là giá thành và sự tiện lợi của sản phẩm… Các doanh nghiệp Việt Nam khi tiến hành các hoạt động xuất khẩu cần phải đảm bảo chất lượng tốt, đặc biệt là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là dư lượng hoá chất nông nghiệp. Nếu bị phát hiện có các dư lượng vượt quá mức cho phép, các sản phẩm này sẽ bị giám sát rất chặt chẽ.
Các giấy tờ theo quy định của Nhật Bản khi thực hiện nhập khẩu nông thuỷ sản vào quốc gia này khá phức tạp như Giấy chứng nhận an toàn sức khỏe; kết quả xét nghiệm; các tài liệu chứng minh các thành phần nguyên liệu, phụ gia và quy trình sản xuất (Chứng nhận nhà sản xuất)… Cùng với đó, còn nhiều quy định khác của Nhật Bản liên quan như: Luật Thương mại quốc tế và Trao đổi ngoại hối, Luật Vệ sinh thực phẩm, Luật Thuế quan và Hải quan,….
Bên cạnh đó, theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, người tiêu dùng Nhật Bản có sự nhạy cảm cao với sự thay đổi liên tục giá bán của một sản phẩm nào đó, do vậy các nhà nhập khẩu Nhật Bản luôn đề cao sự ổn định của giá cả và lượng cung ứng từ phía đối tác Việt Nam. Thương vụ cho rằng, để có thể thâm nhập thành công vào thị trường này, doanh nghiệp cần phải có sự đa dạng về khẩu vị cho phù hợp với người Nhật, sự cải tiến trong thiết kế mẫu mã bao bì cho bắt mắt và thu hút người tiêu dùng, ví dụ như có nhãn mác ghi bằng tiếng Nhật giới thiệu chi tiết thông tin sản phẩm để tạo niềm tin của người mua hàng,… Các doanh nghiệp cũng nên đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về thương hiệu, sản phẩm nhằm gây dựng tên tuổi ở thị trường này.
Nguồn: congthuong.vn