Tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới

Trong giai đoạn tới, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ tập trung vào các nhóm nhiệm vụ như triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng Việt Nam chất lượng cao.

Đa dạng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Tại Chỉ thị, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ tổ chức triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 386/QD-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số thông qua ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường bằng các kênh phân phối hiện đại, kết hợp với thanh toán điện tử và giao vận hiện đại; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm trong nước và nước ngoài…

Hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam chất lượng cao, được người tiêu dùng tin cậy, phù hợp với các cam kết quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; đẩy mạnh lưu thông và triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam; có cơ chế điều tiết, lưu thông phân phối hàng hóa, nhằm bảo đảm cung ứng nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Nghiên cứu, đề xuất chính sách nhằm phát triển phù hợp các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hoà giữa hạ tầng thương mại truyền thống và hạ tầng thương mại hiện đại đối với hàng Việt Nam; tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp, sáng kiến kết nối cung cầu; khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp sản xuất và phân phối thiết lập hệ thống các điểm bán hàng Việt Nam bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, đặc biệt tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Ngoài ra, chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông phong phú, hấp dẫn về sản phẩm, hàng hoá của các doanh nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất tại các làng nghề, các hộ nông dân, hợp tác xã… có cơ hội quảng bá sản phẩm, hàng hóa của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và những hành vi gian lận thương mại. Đồng thời, tiếp tục chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, cơ quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến và thực thi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức truyền thông, xây dựng và triển khai các Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên môi trường trực tuyến (website: www.tuhaoviet.vn; www.tuhaohangviet.vn).

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, Bộ Công Thương có trách nhiệm cập nhật và công bố thường xuyên, kịp thời Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được thuộc phạm vi, lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý để phục vụ các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng; thông tin chính thức về diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là hàng hóa sản xuất trong nước trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, phối hợp với hiệp hội chức năng tổ chức các hoạt động phù hợp để khen thưởng, tôn vinh các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam có thương hiệu, có uy tín đã tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện Cuộc vận động.

Là một trong những đơn vị đóng vai trò quan trọng với thành công của Cuộc vận động, trong hơn 10 năm qua, Bộ Công Thương đã luôn đồng hành với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để vận động mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội ưu tiên dùng hàng Việt Nam và tích cực đầu tư, sản xuất, cung ứng sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020, trong đó tập trung vào 03 nhóm giải pháp chủ yếu: Nhóm giải pháp hỗ trợ nhằm thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của cộng đồng; Nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững; Nhóm giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam.

Sau 10 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương trực tiếp thực hiện đã đạt được các kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển thị trường trong nước, từ đó đưa ra các giải pháp tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối, thiết lập các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong thị trường với nhau, từ người sản xuất đến người tiêu dùng, từ trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đưa hàng hóa có chất lượng từ nhiều khu vực, vùng miền khác nhau đến tận tay người tiêu dùng tại địa phương và thu hút hàng hóa nông sản, đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố khác.

Phối hợp triển khai hiệu quả Cuộc vận động

Cùng với những trách nhiệm của Bộ Công Thương, Chỉ thị nêu rõ, các Bộ ngành, đơn vị khác cũng có nhiều nhóm nhiệm vụ để góp phần triển khai Cuộc vận động trong thời gian tới. Đồng thời, có trách nhiệm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện các giải pháp thích hợp để khuyến khích, định hướng tiêu dùng và vận động nhân dân tích cực sử dụng hàng Việt Nam. Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về Cuộc vận động bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp tới các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị – xã hội, nhằm khuyến khích và ưu tiên thực hiện mua hàng Việt Nam khi có nhu cầu mua sắm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc tham gia Cuộc vận động, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; từng bước xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam không chỉ tại thị trường trong nước mà còn từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới; vận động các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước khi thực hiện các dự án, công trình thì ưu tiên mua sắm, sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được và dịch vụ trong nước bảo đảm chất lượng.

Công bố thường xuyên, kịp thời danh mục quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia mới ban hành; thông tin chính thức về diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là hàng hóa sản xuất trong nước trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Rà soát các chính sách, đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam; thiết lập các kênh phân phối hàng hóa, phát triển thị trường nội địa; ứng dụng thương mại điện tử trong công tác mở rộng thị trường trong và ngoài nước; kiểm tra, kiểm soát thị trường; tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nguồn: congthuong.vn