Bệ đỡ đưa hàng hóa Việt Nam xâm nhập thị trường thế giới

Với sự tích cực của hoạt động xúc tiến thương mại, việc kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp, nhà sản xuất với đối tác nước ngoài trở nên gần hơn, thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam ngày càng được mở rộng.

Vai trò quan trọng của cơ quan thương vụ

Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã kết nối doanh nghiệp Việt ký kết thành công hợp đồng xuất khẩu 10 container gạo ST25 sang một thị trường hoàn toàn mới là Cộng hòa Vanuatu, thuộc châu Úc. Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa cho biết, sau lô hàng này, các bên cũng đạt được thỏa thuận những chuyến hàng tiếp theo, dự kiến tổng nhu cầu có thể lên đến cả nghìn tấn gạo Việt Nam sang Vanuatu. Cách làm khẳng định chất lượng gạo thương hiệu Việt Nam của Thương vụ Việt Nam tại Australia là một ví dụ đưa hàng hóa đến với thị trường mới.

Ngoài việc hỗ trợ ký kết thành công hợp đồng và hoàn tất thủ tục ngân hàng chuyển đặt cọc 30% cho doanh nghiệp Việt Nam, đại diện thương vụ và doanh nghiệp đã chủ động có những hoạt động quảng bá hạt gạo Việt Nam tới các nhà bán lẻ, người tiêu dùng tại Vanuatu. Ông Nguyễn Phú Hòa cho biết, không chỉ lô hàng này, tới đây tất cả doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Vanuatu đều nhận được sự hỗ trợ của thương vụ nhằm quảng bá rộng rãi hơn.

Với thị trường Australia, từ 3 năm nay, các hoạt động quảng bá hàng nông sản Việt Nam đã được cơ quan thương vụ tích cực tổ chức, chẳng hạn với khẩu hiệu: “Việt Nam, vùng đất của gạo ngon nhất thế giới” góp phần khẳng định chất lượng của gạo Việt Nam, cùng với chiến lược “tạo cầu” đã giúp gạo Việt Nam có chỗ đứng tại thị trường Australia kể cả ở các bang xa. Chiến lược này, hướng đến làm cho gạo Việt Nam được nhận biết, và kết nối đưa vào các hệ thống phân phối dễ tiếp cận và rộng khắp, kể cả bán trên mạng… từ đó các hệ thống phân phối lớn sẽ quan tâm.

Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia, đây là cách tiếp cận bền vững, vì nếu đưa ngay vào kệ siêu thị lớn khi thị trường chưa nhận biết, cũng chỉ tồn tại được thời gian ngắn. Cách làm này đã có hiệu quả khi mới đây, siêu thị Costco đã đưa gạo ST25 vào phân phối vì nhận thấy tín hiệu tốt từ người tiêu dùng. Sau nỗ lực tiếp thị gạo Việt Nam tại thị trường Australia, Thương vụ đẩy mạnh xúc tiến sang thị trường kiêm nhiệm, trong đó có đảo quốc Vanuatu.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng cho biết, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ không chỉ tập trung ở phương diện khai thác thị trường truyền thống, mở rộng thị trường/sản phẩm mới, tiềm năng mà còn ở phương diện bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp hai nước, hạn chế tác động tiêu cực, dỡ bỏ các rào cản thuế quan, phi thuế quan; xử lý các vụ việc liên quan tới các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm… Với mục tiêu hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, trong thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã triển khai hàng loạt các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với các bên liên quan của Hoa Kỳ; theo dõi chặt chẽ diễn biến các vụ việc để kịp thời cập nhật thông tin, gửi thông báo, báo cáo những vấn đề phát sinh trong chính sách điều hành của Hoa Kỳ.

Có thể thấy, thay vì tập trung thị trường truyền thống, các hoạt động xúc tiến thương mại đã mở rộng khai thác các thị trường mới, thị trường ngách… Đây cũng là điểm mới trong hoạt động xúc tiến thương mại năm 2023. Qua đó, giảm áp lực thiếu đơn hàng diễn ra khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp, ngành hàng.

Gia tăng hoạt động kết nối thị trường

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, quý 1/2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,4%); trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước giảm mạnh hơn (giảm 17,4%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 10%), điều này cho thấy những khó khăn của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu.

Bà Tô Tường Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thuỷ sản tháng 3 giảm mạnh ở tất cả các thị trường, trong đó thị trường khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giảm 23,5%, Hoa kỳ giảm 55%, EU giảm 30%, thị trường Trung Quốc giảm ít nhất với 11%. Nguyên nhân được xác định do 3 yếu tố lạm phát và khủng hoảng ngân hàng tại Hoa Kỳ đã thắt chặt tín dụng khiến nhà nhập khẩu không đủ kinh phí để nhập khẩu số lượng hàng lớn. Đối tác cơ cấu lại kho hàng khiến giá xuất khẩu giảm mạnh. Cùng với đó là sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, sự trỗi dậy mạnh mẽ của một số đối thủ đã chiếm thị phần của thuỷ sản Việt Nam tại nhiều thị trường chính.

Xuất phát từ thực tế, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đề xuất giải pháp, như: hỗ trợ triển khai xúc tiến thương mại, kết nối giao thương và phổ biến thông tin thị trường, nhất là với thị trường Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu.

Ông Trương Văn Thanh, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc hợp tác xã thương mại, dịch vụ Như Hoàng (Bình Phước) chia sẻ, hiện nay các đối tác tìm đến doanh nghiệp chủ yếu để thu mua nguyên liệu thô, doanh nghiệp mong muốn sản phẩm xuất khẩu phải mang thương hiệu Việt để tạo ra giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn của doanh nghiệp là thiếu kết nối với các thị trường nước ngoài. Do đó, để gia tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa doanh nghiệp đề xuất cơ quan quản lý bên cạnh việc tạo điều kiện về nguồn vốn cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, cần tăng cường hỗ trợ quảng bá sản phẩm đến các nước, tạo thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế.

Theo đại diện Hiệp hội Thực phẩm, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại ở nước ngoài, hội chợ quốc tế lớn để quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn, truyền thông được nhiều hơn cho thương hiệu nông sản của Việt Nam, đặc biệt là thương hiệu thực phẩm chế biến của của Việt Nam. Hiện nay nông sản của Việt Nam rất đa dạng và có tiếng trên thế giới, nhưng sản phẩm chế biến chưa có nhiều thương hiệu lớn mà thế giới biết đến. Do đó, cần có chương trình xúc tiến thương mại dành cho thương hiệu nông nghiệp chế biến.

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), một trong những giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu được triển khai từ đầu năm tới nay là tập trung giải pháp hỗ trợ các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiếm thương mại đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt khai thác các thị trường/khu vực hiện đang có FTA với Việt Nam. Song song, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trực tiếp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại khơi thông các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp chưa trực tiếp triển khai hoạt động xúc tiến thương mại được như các thị trường khu vực như châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/