Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước nhằm giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu

Bộ Công Thương mới đây đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-BCT về việc tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước nhằm giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19; chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Công văn số 9249/VPCP-KTTH ngày 18 tháng 12 năm 2021 về tình hình ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, để tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước nhằm giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp khẩn trương thực hiện các công việc sau:

Đối với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương

Vụ Thị trường trong nước: Phối hợp Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của các địa phương tại thị trường trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản để giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu hiện đang gặp khó khăn do chính sách điều tiết cửa khẩu của một số nước có biên giới với Việt Nam;

Đầu mối, phối hợp các đơn vị của Bộ chỉ đạo, hỗ trợ hệ thống phân phối tăng lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong hệ thống;

Phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử để phân phối và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản;

Đầu mối chủ trì chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn các địa phương khẩn trương thực hiện quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09 tháng 2 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Cục Xúc tiến Thương mại: Chủ động đẩy mạnh các biện pháp xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản cho các địa phương; hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử;

Ưu tiên, bố trí nguồn kinh phí xúc tiến thương mại hàng năm cho các ngành hàng nông, thủy sản tại Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia của Chính phủ;

Hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng trong việc xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận của các sản phẩm đặc sản vùng miền;

Triển khai có hiệu quả Chương trình Thương hiệu quốc gia và Chương trình xây dựng và phát triển ngành hàng Việt Nam để quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông sản chủ lực;

Phối hợp các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, đặc biệt là thị trường mới ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số: Đầu mối chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia sàn, đào tạo kỹ năng và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến, hỗ trợ vận chuyển; thanh toán trực tuyến; hỗ trợ và ưu tiên các thương nhân kinh doanh nông sản tham gia các Chương trình ngày mua sắm trực tuyến; Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia…;

Đầu mối chủ trì, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, các Sở Công Thương địa phương đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông sản trên các kênh thương mại điện tử. Hỗ trợ các địa phương thúc đẩy tiêu thụ lượng nông sản lớn (đã, đang và sẽ vào vụ thu hoạch) ở các địa phương trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Cục Xuất nhập khẩu: Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng, Doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ có liên quan tại Chỉ Thị số 26/CT-TTg ngày 21 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19;

Chủ trì, phối hợp với Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Thương vụ/Chi nhánh Thương vụ của Việt Nam tại Trung Quốc, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ tìm hiểu, cập nhật và tổng hợp thông tin về tình hình sản xuất, nhu cầu/thị hiếu tiêu dùng, nhập khẩu, đánh giá nguồn cung… hàng tháng;

Đầu mối chủ trì phối hợp với các địa phương sản xuất hướng dẫn thông tin cho doanh nghiệp xuất khẩu để khuyến khích xuất khẩu chính ngạch qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính;

Phối hợp với đơn vị chức năng thuộc Bộ Giao thông vận tải xử lý tình trạng thiếu container rỗng và có giải pháp giảm cước vận tải phục vụ xuất khẩu và nhập khẩu;

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại đối với sản phẩm nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường quốc tế; phối hợp đáp ứng thay đổi yêu cầu kỹ thuật của thị trường nhập khẩu;

Phối hợp với đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản để tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng;

Chủ động phối hợp với các địa phương sản xuất về kế hoạch sản xuất để thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản, không để đứt gẫy chuỗi sản xuất nông nghiệp;

Chủ động phối hợp với các địa phương có cửa khẩu đặc biệt các tỉnh biên giới phía Bắc kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất, nhập khẩu, đảm bảo thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu được thuận lợi.

Vụ Thị trường châu Á – châu Phi: Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá tác động, hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc tại Lệnh 248, Lệnh 249 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022;

Chủ động trao đổi các cơ quan và địa phương phía Trung Quốc về việc mở thêm các cửa khẩu, thông quan cho xuất khẩu nông sản, đặc biệt là rau, trái cây;

Phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao trong công tác đàm phán quản trị chất lượng để mở cửa thị trường nông sản xuất khẩu; chủ động cung cấp thông tin thị trường khu vực châu Á và châu Phi;

Đầu mối phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản chính ngạch sang Trung Quốc (sầu riêng, khoai lang, chanh leo, na, bưởi, tổ yến, thủy sản…);

Chỉ đạo Tham tán Thương mai, Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phối hợp với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về tình hình sản xuất nhu cầu nhập khẩu, thị hiếu tiêu dùng, đánh giá nguồn cung và các quy định liên quan đến nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của nước sở tại gửi Cục Xuất nhập khẩu tổng hợp theo định kỳ hàng tháng;
Chủ động kết nối thông tin với các Tham tán Thương mại, Tham tán nông nghiệp của Việt Nam tại nước ngoài để kịp thời xử lý các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam.

Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ : Chỉ đạo Tham tán Thương mại, Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phối hợp với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chủ động tìm hiểu cập nhật thông tin về tình hình sản xuất, nhu cầu nhập khẩu, thị hiếu tiêu dùng, đánh giá nguồn cung và các quy định liên quan đến nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của nước sở tại gửi Cục Xuất nhập khẩu tổng hợp theo định kỳ hàng tháng;

Chủ động kết nối thông tin với các Tham tán Thương mại, Tham tán nông nghiệp của Việt Nam tại nước ngoài để kịp thời xử lý các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam.

Cục Công nghiệp : Chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tăng cường quản lý, xây dựng và thực hiện chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông, thủy sản nhằm gia tăng hàm lượng chế biến sâu đối với các sản phẩm nông, thủy sản.

Tổng cục Quản lý thị trường: Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng nông sản nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và các hành vi gian lận thương mại khác. Đặc biệt, chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại trên môi trường trực tuyến. Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các mặt hàng nông sản (sản xuất trong nước và nhập khẩu) trên thị trường;

Phối hợp với Vụ Thị trường trong nước, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, tiêu thụ hàng hóa nông sản; tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng khi lưu thông qua các tỉnh, thành phố;

Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương phối hợp các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thu mua nông sản không đúng quy định pháp luật của tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn.

Đối với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của địa phương tại thị trường trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản để giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu hiện đang gặp khó khăn do chính sách điều tiết cửa khẩu của một số nước có biên giới với Việt Nam;

Phối hợp các sở, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, phân phối các mặt hàng nông sản trên địa bàn; hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động (theo đúng quy định của pháp luật) tại các khu công nghiệp, khu đông dân cư (quận, huyện, phường, xã, thị trấn, thị tứ…) để mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đồng thời phục vụ tối đa nhu cầu của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên Đán Nhâm Dần;

Đầu mối chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện các giải pháp đẩy mạnh hoạt động sơ chế, chế biến, bảo quản, dự trữ nông sản (đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh);

Rà soát, tổng hợp khả năng dự trữ kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản nông sản của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn nhằm đẩy mạnh thu mua, chế biến và hỗ trợ các địa phương khác khi cần thiết;

Phối hợp các Sở, ngành chức năng điều tiết sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường; rà soát sản lượng nông sản dự kiến thu hoạch trên địa bàn để có cơ sở tham mưu lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng phương án tiêu thụ theo diễn biến của thị trường trong và ngoài nước;

Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tại địa phương, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn;

Khẩn trương thực hiện Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030”;

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ nông sản của nhà nước, thông tin các điểm bán hàng bình ổn và thực phẩm an toàn cho người dân địa phương; kiểm soát các thông tin thất thiệt có thể gây bất ổn thị trường.

Về phía các Hiệp hội ngành hàng

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương chỉ đạo các thành viên Hiệp hội tăng khả năng tiêu thụ các mặt hàng nông sản của các địa phương, chủ động tổng hợp, đề xuất các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phân phối ứng phó kịp thời với những biến động bất thường của dịch Covid 19 để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh;

Chỉ đạo, vận động các thành viên Hiệp hội mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động (theo đúng quy định của pháp luật) tại các khu công nghiệp, khu đông dân cư (quận, huyện, phường, xã, thị trấn, thị tứ…) để mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, kịp thời phục vụ người tiêu dùng trước, trong và sau tết Nguyên Đán Nhâm Dần;

Chỉ đạo các thành viên Hiệp hội tăng cường thực hiện các phương thức bán hàng trên môi trường số (thương mại điện tử, đi chợ hộ…), để phục vụ tối đa nhu cầu nhân dân trong điều kiện thích ứng linh hoạt với dịch bệnh.

Các đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và báo cáo tình hình triển khai, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị và gửi về Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) vào ngày 25 hàng tháng.

Nguồn “Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương”