Đại dịch sẽ định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo các chuyên gia, sự gián đoạn sản xuất tại Đông Nam Á do dịch bệnh sẽ dẫn đến sự định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu, khi mà các nhà máy sản xuất chính sẽ không tập trung tại một vài địa điểm nhất định.

Khu vực Đông Nam Á đang nổi lên và trở thành một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu từ vài thập kỷ qua. Trong đó, các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia đang trở thành những trung tâm sản xuất lớn trên toàn cầu. Khu vực này đang là nơi sản xuất ô tô, máy tính, điện tử và hàng may mặc cùng các sản phẩm khác cung ứng trên toàn cầu.

Tuy nhiên, làn sóng dịch bệnh gần đây tại khu vực này có thể gây ra sự thay đổi trong chuỗi giá trị. Khu vực này đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi chủng Delta có khả năng lây lan rộng. Nhiều quốc gia phải áp dụng các biện pháp hạn chế chặt chẽ để kiểm soát dịch bệnh. Hệ quả là, nhiều nhà máy tại các quốc gia này phải đóng cửa.

Theo Cơ quan nghiên cứu thông tin kinh tế HIS Markit, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) tháng 8 chỉ đạt 44,5 điểm, hạn chế trong phạm vi của từng lãnh thổ do các biện pháp hạn chế. Tháng 8 cũng là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số PMI tại khu vực Đông Nam Á đạt dưới 50 điểm, cho thấy sự chậm lại của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cũng có những dấu hiệu cho thấy đại dịch khiến cho người phương Tây phải cắt giảm chi tiêu, từ đó, giảm tiêu dùng đối với các mặt hàng xuất xứ từ châu Á.

Nhiều nhà máy của Việt Nam đã buộc phải đóng cửa hoặc cắt giảm lực lượng lao động trong đợt dịch này. Tại Malaysia, hầu hết các nhà sản xuất đã được yêu cầu giảm công suất trừ khi họ đã tiêm phòng cho ít nhất 80% công nhân nhà máy. Trung Quốc đã tạm thời đóng cửa bến chính ở cảng Ninh Ba – Chu Sơn đông đúc thứ ba thế giới vào tháng trước; hiện nay bến này đã mở cửa trở lại.

Diễn biến dịch bệnh ở các nước châu Á có thể báo hiệu những vấn đề mà nhà nhập khẩu các mặt hàng từ châu Á phải đối mặt, nhất là những nước có nhu cầu cao đối với đồ chơi hay chất bán dẫn. Khi ngày càng có nhiều nhà máy đang gặp khó khăn để duy trì hoạt động đầy đủ, người mua càng khó tìm được nguồn sản phẩm họ cần và điều này có thể gia tăng áp lực lạm phát trên toàn thế giới.

Ông Alex Holmes – Chuyên gia kinh tế về các thị trường mới nổi tại Capital Economics ở Singapore – cho biết: “Sự gián đoạn do dịch bệnh đã góp phần làm tăng sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ tình trạng thiếu chất bán dẫn đến chi phí vận chuyển tăng cao”.

Sự sụt giảm năng lực sản xuất, đặc biệt tại các nước như Thái Lan và Việt Nam, đã làm ảnh hưởng đến chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều công ty tìm nguồn cung ứng từ khu vực này cho biết họ đang phải đối mặt với sự gián đoạn chưa từng có do sự bùng phát của dịch Covid-19 và tình trạng thiếu container.

“Với vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, đặc biệt là trong giai đoạn lắp ráp cuối cùng của thiết bị điện tử trong những năm gần đây, ngành hàng này đang cảm nhận rõ nét nhất tác động của đợt bùng dịch lần này” – Sian Fenner – nhà kinh tế hàng đầu châu Á tại Oxford Economics – nhận xét.

Trong trường hợp của Thái Lan, ngành công nghiệp sản xuất của quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động khi mà các lao động nhập cư đã phải trở về nhà khi dịch bệnh xảy ra. “Điều này tác động đến các lĩnh vực sản xuất cần nhiều lao động như thực phẩm, dệt may, cao su,…” – ông Fenner phân tích.

Gần đây, nhà sản xuất ô tô Ford cho biết, nhà máy sản xuất tại thành phố Cologne (Đức) sẽ tạm dừng sản xuất mẫu xe Fiesta do thiếu chất bán dẫn từ các nhà máy ở Malaysia, nơi cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

“Quý 2 năm 2021 là đỉnh của đợt gián đoạn này nhưng sẽ mất thêm vài quý nữa để chuỗi cung ứng phục hồi hoàn toàn” – ông Fenner dự báo.

Tuy nhiên, tình trạng gián đoạn này cũng thúc đẩy việc mở rộng các chuỗi cung ứng trong nhiều lĩnh vực. Các biện pháp hạn chế trong tình hình dịch bệnh cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu ngày nay rất mong manh. Các chuyên gia chỉ ra việc có quá nhiều ngành công nghiệp chủ chốt như điện tử và sản xuất dệt may chỉ tập trung ở một vài nơi không có lợi cho nhiều doanh nghiệp.

Ông Fenner cho rằng, các doanh nghiệp sẽ tính đến chuyện mở các nhà máy ở nhiều nơi hơn. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin rằng châu Á vẫn sẽ là một địa điểm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là tại Việt Nam với sự năng động của thị trường lao động và nhu cầu tiêu dùng trong khu vực cũng tăng trưởng thuận lợi” – ông Fenner khẳng định.

Nguồn: congthuong.vn