Dự báo năm 2023, xuất khẩu thủy sản sẽ thu về khoảng trên 9 tỷ USD

Với điều kiện thị trường phục hồi và nguồn nguyên liệu ổn định, dự báo năm 2023, xuất khẩu thủy sản sẽ thu về khoảng trên 9 tỷ USD.

Kịch bản nào cho xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm 2023?

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ước tính tới hết tháng 7/2023, xuất khẩu thủy sản đạt gần 5 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giảm sâu nhất vẫn là cá tra (giảm 36%), tôm và cá ngừ giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong tháng 7/2023, xuất khẩu thủy sản ước đạt 830 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu tôm giảm 10% đạt khoảng 345 triệu USD, cá tra đạt 150 triệu USD, giảm 20%, cá ngừ giảm nhẹ 3% và các loại cá khác giảm 12% so với tháng 7/2022.

Về góc độ thị trường, tín hiệu phục hồi rõ rệt nhất ở thị trường Trung Quốc, trong tháng 7/2023 tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 180 triệu USD. Xuất khẩu sang các thị trường chính khác vẫn thấp hơn 5 – 40% so với tháng 7/2022.

Theo bà Lê Hằng – Giám đốc Truyền thông VASEP, có 3 yếu tố sẽ quyết định kịch bản xuất khẩu lạc quan trong nửa cuối năm.

Cụ thể, diễn biến kinh tế các thị trường lớn được dự báo khả quan hơn trong nửa cuối năm cộng với thực tế nhu cầu nhập khẩu của các thị trường như Hoa Kỳ và Trung Quốc đang có xu hướng tăng trở lại, khi lượng tồn kho đang vơi dần và chuẩn bị đơn hàng cho dịp lễ hội cuối năm và năm mới.

Nội lực của doanh nghiệp và cộng đồng sản xuất chuỗi cung ứng thủy sản được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, các điều kiện sản xuất kinh doanh để giữ được nguồn cung nguyên liệu ổn định, đảm bảo có sẵn nguồn hàng khi thị trường có nhu cầu.

Các sản phẩm xuất khẩu có nguồn cung ổn định và có giá thành giảm, giá bán cạnh tranh trước các nước khác.

Với kịch bản thuận lợi đó, xuất khẩu thủy sản 5 tháng còn lại năm 2023 có thể sẽ đạt khoảng trên 4 tỷ USD, khi đó tổng kim ngạch xuất hẩu cả năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỷ USD, giảm 15 – 16% so với năm 2022.

Trong đó, dự báo tôm sẽ thu về lượng ngoại tệ khoảng 3,5 – 3,6 tỷ USD, giảm 16 -18%. Cá tra đạt 1,7 – 1,8 tỷ USD, giảm 28%. Xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc sẽ giảm khoảng 14 -15% đạt lần lượt 870 triệu USD và 650 triệu USD. Xuất khẩu cá biển ước đạt 1,9 – 2 tỷ USD, giảm nhẹ so với năm 2022.

Các thị trường chính chắc chắn sẽ vẫn mang về doanh thu ít hơn so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Hàn Quốc sẽ thấp hơn 24 – 25% so với năm 2022, xuất khẩu sang EU sẽ giảm 18%; Thị trường Nhật Bản sẽ khả quan hơn nhờ giá trị của hàng giá trị gia tăng và nhờ phân khúc gia công, chế biến cho thị trường này, nhất là các loài cá biển.

Thị trường Trung Quốc vẫn là kỳ vọng lớn nhất cho doanh nghiệp thủy sản hiện nay, sau mở cửa, giao thương đang dần trở lại bình thường. Hy vọng nửa cuối năm, kinh tế Trung Quốc ổn định hơn, thu nhập và tiêu dùng của người dân được cải thiện, thị trường thích nghi bối cảnh mới…Khi đó, xuất khẩu thủy sản có cơ hội phục hồi lại với dự đoán tương đương với kim ngạch của năm 2023 với khoảng 1,8 tỷ USD cho cả Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc).

Ở kịch bản kém lạc quan hơn là khi thị trường đã có tín hiệu phục hồi, nhu cầu tăng trở lại, nhưng hàng thủy sản của Việt Nam vẫn khó cạnh tranh về giá và nguồn cung với các nước khác như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan…

Các vấn đề của ngành chưa có giải pháp tháo gỡ trước mắt cũng như lâu dài: giá thành sản xuất cao vì các chi phí đầu vào như thức ăn nuôi và con giống cao, lợi nhuận sụt giảm, thiếu vốn để duy trì đầu tư nuôi các vụ tới, bà con bỏ ao, dẫn đến thiếu nguyên liệu đáp ứng đơn hàng nửa cuối năm…

Kịch bản đó có thể dẫn đến dự đoán, xuất khẩu 5 tháng cuối năm chỉ có thể đạt được khoảng 3,5-3,7 tỷ USD, như vậy, cả năm 2023, xuất khẩu có thể chỉ mang về khoảng 8,5 – 8,7 tỷ USD. Trong đó, sụt giảm sâu nhất vẫn nằm ở 2 ngành hàng cá tra và tôm. Xuất khẩu hải sản có thể sẽ xấu hơn nếu kết quả thanh tra chương trình chống khai thác IUU của đoàn thanh tra EU vào tháng 10 tới không đạt được kỳ vọng tháo gỡ thẻ vàng.

Phấn đấu về đích 10 tỷ USD

Ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho biết, đến thời điểm này, sản lượng nuôi trồng thủy sản vẫn đang tăng trưởng. Một số những sản phẩm đang tiêu thụ rất tốt, nhất là các loại cá.

Về chỉ tiêu xuất khẩu, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản sụt giảm 27,4%; 7 tháng đầu năm, mức sụt giảm này còn 25,4% với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 5 tỷ USD. Do đó, con số 9 tỷ kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả năm 2023 này chắc chắn đạt. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 10 tỷ USD thì cần phải phấn đấu hơn nữa. “Chúng tôi vẫn giữ mục tiêu xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD trong năm nay”, ông Trần Đình Luân chia sẻ.

Với ngành thủy sản, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho biết, hiện Bộ cũng chưa điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu của năm nay. “VASEP cho biết đã có những tín hiệu tích cực về thị trường cả với tôm và cá tra. Cá tra xuất khẩu vào Hoa Kỳ đạt trên 50% sản lượng. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đang ép giá. Dự trữ và tồn kho của Hoa Kỳ đã giảm, trong khi nhu cầu không thay đổi. Do đó, chúng ta cần phải chuẩn bị cho những dự trữ để khi tình thế, thời cơ đến thì chúng ta có thể chớp được cơ hội này. Về xuất khẩu tôm cũng tương tự”, ông Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo ông Phùng Đức Tiến, hiện gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đang được triển khai sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dự trữ nguồn hàng cũng để có thể chớp được cơ hội thị trường khi thời cơ đến. “Với chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương hạ lãi suất; đây cũng là yếu tố góp phần để chúng ta dự trữ, chế biến và xuất khẩu. Đảm bảo hiệu quả cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản”, ông Phùng Đức Tiến nhận định.

Nguồn: https://congthuong.vn/