Hai “chủ công” trong xuất khẩu nông sản vẫn còn điểm yếu

Xuất khẩu gạo và rau quả đang có nhiều thuận lợi về thị trường, đây là hai mặt hàng chủ lực tiếp tục giúp xuất khẩu nông sản thu thêm nhiều ngoại tệ, tuy nhiên vẫn còn hạn chế, yếu kém về vùng trồng, chất lượng chưa đồng đều, liên kết doanh nghiệp.

Xuất khẩu khởi sắc

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam thông tin, 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 3,4 triệu tấn gạo, kim ngạch hơn 2 tỷ USD. Ước đến ngày 30/5, tổng sản lượng 3,6 tấn, kim ngạch thu hơn 2,3 tỷ USD, tăng 11% số lượng, tăng 34% giá trị.

Ông Nam cho biết thêm, gạo Việt Nam cũng tập trung vào thị trường lớn như Phipinnies, Trung Quốc, Indonesia…Trong 5 tháng đầu năm, giá gạo trong nước tăng hơn so với cùng kỳ, đảm bảo hiệu quả bà con nông dân, người trồng lúa.

Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 sẽ khởi sắc khi các thị trường lớn tăng khối lượng nhập khẩu. “Các nước đang nghe ngóng xem Ấn Độ có dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu cấm xuất khẩu gạo do Elnino, khả năng đến tháng 9 chưa dỡ bỏ, đây là cơ hội cho Việt Nam”, ông Nguyễn Ngọc Nam cho biết.

Trong ngành rau quả, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, đến ngày 20/5, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 2,490 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023. Các thị trường chủ lực tiếp tục tăng cao, Trung Quốc đứng đầu 1,156 triệu USD, Hàn Quốc 107 triệu USD.

Theo ông Bình đánh giá, từ số liệu xuất khẩu rau quả 4 tháng, thông qua xúc tiến thương mại tại châu Âu, Mỹ và tình hình các doanh nghiệp, dự báo hoạt động xuất khẩu mặt hàng này tiếp tục thuận lợi, nhu cầu tại các thị trường truyền thống tiếp tục tăng, đặc biệt là sầu riêng, dưa hấu, xoài.

Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đánh giá, hoạt động xuất khẩu ngành hàng nông sản đã khắc phục khó khăn, đạt được kết quả tích cực.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2024, kết quả xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 9,5% về lượng và tăng 33,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu rau quả tăng 38,1% về trị giá. Đối với ngành hàng rau quả, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 61,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng.

Dù có nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động xuất khẩu gạo và rau quả của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, yếu kém.

Liên kết và hợp tác đang là điểm yếu của doanh nghiệp

Tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo và rau quả 4 tháng đầu năm và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm 2024, ngày 28/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, hiện chúng ta mới đang xuất khẩu một sản phẩm của doanh nghiệp chứ không phải xuất khẩu sản phẩm của một ngành hàng. Khâu liên kết và hợp tác đang là điểm yếu của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng: “Khi chúng tôi đi hội chợ quốc tế, Trung Quốc trưng bày cả một không gian, nhưng với Việt Nam, có những doanh nghiệp vẫn thuê riêng một góc ngoài chứ không đi chung với hiệp hội hay bộ, ngành. Rõ ràng, nếu các doanh nghiệp không thay đổi thì không thể đi xa được”, đồng thời nhấn mạnh thêm, việc xuất khẩu gạo Việt Nam là nói đến hình ảnh gạo Việt Nam, hình ảnh nông sản Việt chứ không chỉ nói về gạo Trung An, hay một doanh nghiệp gạo nào khác. Có như vậy, nông sản Việt mới có thể lớn lên được.

Nêu cụ thể những hạn chế trong xuất khẩu gạo và rau quả, ông Nguyễn Anh Sơn cho rằng, quy trình sản xuất, chế biến của các hộ sản xuất và doanh nghiệp chưa hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, thiết liên kết, chất lượng chưa ổn định, sản phẩm xuất khẩu còn ở dạng thô, thiếu chế biến sâu; một số doanh nghiệp chưa nắm vững các quy định, chính sách của thị trường nhập khẩu hay các yêu cầu kèm theo ưu đãi từ các FTA; một số doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm…

Để đạt được mục tiêu phục hồi xuất khẩu, tăng khoảng 6% so với năm 2023, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất; đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại, đàm phán mở cửa thị trường, ứng phó với các hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại…

Theo Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), dự kiến diện tích sản xuất lúa năm 2024 ước khoảng 7,09 triệu ha, năng suất trung bình đạt 61,2 tạ/ha, tăng khoảng 0,2 tạ/ha so với năm 2023; sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn thóc, giảm khoảng 35 nghìn tấn so với năm 2023.

Dự kiến diện tích rau năm 2024 sản xuất khoảng 1.030 nghìn ha (tăng khoảng 30 nghìn ha so với 2023), năng suất dự kiến đạt 191,5 tạ/ha (cao hơn so với năm 2023 khoảng 0,5 tạ/ha), sản lượng dự kiến đạt 19,7 triệu tấn (cao hơn 2023 khoảng 624 nghìn tấn).

Nếu từ nay đến cuối năm, không có diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh thì sản xuất lúa, rau năm 2024 đảm bảo kế hoạch đề ra về diện tích, năng suất, sản lượng; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và đồng thời đảm bảo lượng gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu khoảng 7,6 triệu tấn.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/