Kịp thời gỡ khó để doanh nghiệp lâm sản sẵn sàng “bắt nhịp” khi thị trường hồi phục

Để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp lâm sản, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đề xuất có chính sách cho doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản giãn nợ đến hạn từ 6 – 12 tháng; có gói tín dụng đặc thù từ Ngân hàng Chính sách xã hội để doanh nghiệp trả lương cho công nhân trong năm 2023 và được lùi thời gian nộp bảo hiểm xã hội, không tính lãi trong năm 2023.

Khó khăn chồng chất

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản diễn ra ngày 13/4/2023, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST cho biết, lĩnh vực lâm sản đã sụt giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Quý 1/2023, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 3,1 tỷ USD, giảm 28,3%. Dự kiến năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt tương đương năm 2022. Cùng với việc số đơn hàng giảm mạnh, doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của gần chục triệu người lao động.

Trước khó khăn về thị trường, VIFOREST đã đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội gỗ địa phương chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh; trong đó sản phẩm tập trung vào tiêu chí là giá phải tốt, phù hợp với thị hiếu, đạt chất lượng và có chính sách hậu mãi tốt.

Đồng thời, tái cấu trúc, tổ chức lại sản xuất, trong đó chú trọng đổi công nghệ, hoàn thiện hệ thống quản trị sản xuất, nâng cao tính hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh sản xuất sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

VIFOREST cũng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gỗ và chế biến lâm sản xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thông qua việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại như: Trung Đông, Nam Mỹ… Thành lập các cụm, khu công nghiệp tập trung của ngành gỗ và chế biến lâm sản tại các vùng, địa phương có tiềm năng; thành lập trung tâm thương mại quốc tế có tầm cỡ, quy mô; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ; phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng tập trung trong nước… cũng như các chính sách hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Ngoài ra, VIFOREST kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương sớm cho phép hình thành những trung tâm triển lãm có tầm khu vực và quốc tế đặc biệt như Hà Nội, Đà Nẵng (hiện tại không có) để thúc đẩy quảng bá thương mại sản phẩm. Thay đổi mức hỗ trợ trong chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ quốc tế, vì chính sách hỗ trợ hiện nay còn thấp.

“Đối với việc hoàn thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, hiện Bộ Tài chính đang coi ngành gỗ xuất khẩu là ngành có rủi ro trong việc hoàn thuế do có một số doanh nghiệp gian lận kê khai thuế giá trị gia tăng trong xuất khẩu. Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét, xử lý nghiêm các doanh nghiệp có sai phạm. Đồng thời, có phương án giải quyết, tạo điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính”, ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị.

Sớm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp

Với tình hình xuất khẩu khó khăn hiện nay, VIFOREST đề xuất có chính sách cho doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản giãn nợ đến hạn từ 6 – 12 tháng; có gói tín dụng đặc thù từ Ngân hàng Chính sách xã hội để doanh nghiệp trả lương cho công nhân trong năm 2023; được lùi thời gian nộp bảo hiểm xã hội, không tính lãi trong năm 2023.

Trước những khó khăn mà hiệp hội chia sẻ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chia sẻ, hỗ trợ các doanh nghiệp một cách thực chất, kịp thời. Các chủ thể liên quan cùng nỗ lực, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ để khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, đạt mục tiêu xuất khẩu lâm sản 17,5 tỉ USD

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách về lâm nghiệp, thủy sản, trong đó có quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam; thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, thủy sản.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu các chính sách, tháo gỡ các vấn đề về thuế; trình cấp có thẩm quyền để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách để các ngân hàng cho vay, cấp vốn, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất vay hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông – lâm – thủy sản theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và triển khai các giải pháp phù hợp về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, gia hạn nợ…

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 17,1 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra; ngành hàng này cũng đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 đạt con số 17,5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so kế hoạch (9 tỷ USD), cao nhất từ trước đến nay; mục tiêu kế hoạch năm 2023 của ngành khoảng 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4%; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2%; xuất siêu 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/