“Mách nước” để trái cây Việt vươn xa
Mặc dù, trái cây Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản… nhưng tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng này của thế giới từ Việt Nam chỉ chiếm 1%. Để mở rộng thị phần, cũng như bám chắc thị trường quốc tế, theo các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục.
Ông Dương Hoàng Minh – Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga – cho biết, kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu mà Nga là thành viên chủ chốt có hiệu lực từ tháng 10/2016, kim ngạch xuất khẩu trái cây và các sản phẩm trái cây của Việt Nam sang Nga tăng nhanh nhưng thị phần các mặt hàng này vẫn còn khiêm tốn tại Nga.
Tương tự, bà Võ Thị Ngọc Diệp – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan – cho biết, trái cây tươi Việt Nam đã thâm nhập tốt vào thị trường Hà Lan vài năm gần đây nhưng với số lượng cũng không nhiều. Để trái cây Việt Nam có thể chinh phục thị trường Hà Lan và người châu Âu theo bà Diệp, là quá trình lâu dài, đòi hỏi đầu tư lớn, từ quy hoạch vùng trồng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định châu Âu khắt khe đối với trái cây tươi, công nghệ xử lý bảo quản sau thu hoạch và bí quyết đóng gói để vận chuyển bằng đường biển (từ 4-5 tuần). Đặc biệt là nguồn cung ổn định.
Tại Australia, một số sản phẩm như: Xoài, vải, nhãn, thanh long Việt Nam được đánh giá rất cao và có uy tín, được người tiêu dùng đón nhận mạnh mẽ. Tuy nhiên, để mở rộng xuất khẩu trái cây sang thị trường này, ông Nguyễn Phú Hòa – Phó Tổng lãnh sự tại Sydney, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia – khuyến nghị, doanh nghiệp cần tiếp tục giữ chất lượng ổn định, hình thức mẫu mã, bao bì, chất lượng, không cạnh tranh giảm giá.
Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng ổn định, cạnh tranh bằng công nghệ bảo quản… công tác truyền thông, quảng bá, tiếp thị sản phẩm để dần thay đổi thị hiếu, thói quen người tiêu dùng nước sở tại cũng rất quan trọng. Câu chuyện thành công từ việc xuất khẩu quả vải Việt Nam sang một số thị trường tiềm năng là một ví dụ điển hình. Thời gian gần đây, công tác truyền thông, quảng bá do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cùng hệ thống Thương vụ các nước đặc biệt phát huy hiệu quả, tạo tiếng vang khá lớn, không chỉ người gốc Á biết về quả vải Việt mà cả người Hà Lan, Pháp, Đức, Nhật Bản, Séc… cũng biết đến, thử và rất thích.
Hay tại Australia, trong chiến lược xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam tại thị trường này, Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng khuyến nghị doanh nghiệp khi thiết kế bao bì nên quảng bá hình ảnh Việt Nam xanh, đẹp, có nền văn hóa đa dạng, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới. Đặc biệt, khi đưa các sản phẩm mới vào Australia, thông báo với cơ quan thương vụ biết để cùng chung tay đề ra kế hoạch, chiến lược dài hạn.
Đơn cử như gạo, Thương vụ Việt Nam tại Australia có chiến lược quảng cáo xuyên suốt với khẩu hiệu “Việt Nam – vùng đất gạo ngon nhất thế giới” khẳng định được vị thế giá trị gạo Việt Nam tại Australia, hay hạt điều có khẩu hiệu “Hạt điều Việt Nam – cả thế giới lựa chọn”. Hoặc sầu riêng Ri6 với slogan “Ri6- một vị vua khác” với mục đích khẳng định sầu riêng Ri6 chất lượng rất ngon, không thua bất kỳ một sầu riêng nào khác… Với chiến lược quảng cáo đó, từ chỗ là sản phẩm ít người biết tới do không có thương hiệu riêng nhưng đến nay, sầu riêng Việt Nam đã trở thành một đối thủ cạnh tranh mạnh trên thị trường Australia, có thương hiệu đặc trưng và khẳng định vị thế loại “trái cây vua” trong các dòng sầu riêng bán ở thị trường này.
Nguồn: congthuong.vn