Nguyên nhân khiến giá gạo Việt “một mình một chợ”

ầu tháng 11, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục thiết lập cột mốc mới ở mức 653 USD/tấn, giữ vững ngôi đầu thế giới về giá.

Giá cao nhất từ trước đến nay

Theo dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo loại 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên mức 653 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 1/11.

Với mức này, gạo Việt Nam đang có giá cao nhất lịch sử xuất khẩu. Theo đó vào năm 2008, giá gạo có thời điểm tăng tới 1.000 USD/tấn nhưng thời điểm đó nước ta tạm dừng xuất khẩu, còn ở thời điểm hiện tại việc xuất khẩu diễn ra bình thường và gạo Việt đang “ngược chiều” tăng so với các nguồn cung khác gồm Thái Lan, Pakistan.

Theo đó, trong phiên giao dịch hai ngày đầu tháng 11, trong khi giá gạo Việt Nam tiếp tục giữ vững thì nguồn cung từ Thái Lan lại điều chỉnh giảm nhẹ thêm 4 USD. Như vậy sau điều chỉnh, gạo 5% tấm của nước này hiện ở mức 560 USD/tấn, thấp hơn gạo Việt Nam 93 USD/tấn.

Ngoài ra, một quốc gia xuất khẩu khác là Pakistan cũng đã liên tục điều chỉnh giảm giá gạo trong những ngày cuối tháng 10 và hiện giá gạo loại 5% tấm của nước này đang ở mức 563 USD/tấn, thấp hơn gạo cùng loại của Việt Nam khoảng 90 USD/tấn.

Lý giải giá gạo Việt “một mình một chợ”, nhiều doanh nghiệp cho biết, do Việt Nam đang vào cuối vụ thu hoạch, sản lượng không còn nhiều nên giá gạo trong dân liên tục tăng. Các doanh nghiệp cũng không gom được hàng để xuất khẩu nên chỉ dám ký các hợp đồng với số lượng nhỏ cho các đối tác lâu năm. Giá gạo chào bán vì thế cũng được đẩy tăng lên.

Thêm vào đó, việc giá gạo Việt ở mức cao như hiện nay còn do một số yếu tố khác. Trong đó, yếu tố đầu tiên phải kể tới là việc Ấn Độ – nguồn cung chiếm 40% tỷ trọng gạo của thế giới vẫn chưa có động thái nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo.

Trong khi đó, quốc gia xuất khẩu lớn thứ hai thế giới là Thái Lan lại đang lên kế hoạch dự trữ gạo trước khi xuất khẩu trong thời gian tới. Theo đó, Bộ Thương mại Thái Lan đã đề xuất với Ủy ban Quản lý và Chính sách lúa gạo quốc gia một biện pháp gồm 4 điểm để ổn định giá gạo. Kế hoạch này sẽ dự trữ khoảng 14 triệu tấn lúa trong tối đa 5 tháng trước khi cung cấp ra thị trường với giá cả phù hợp. Nếu được thông qua, kế hoạch sẽ được áp dụng ngay trong vụ thu hoạch hiện nay. Đây có thể là nguyên nhân khiến giá gạo Thái Lan tiếp tục giảm nhẹ tương đương với gạo Pakistan, còn gạo Việt Nam tiếp tục tăng.

Ngoài các yếu tố trên thì hiện nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước cũng rất cao. Trong đó, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu tới 2,4 triệu tấn gạo cho năm 2023 và theo kế hoạch năm 2024 quốc gia này sẽ tiếp tục nhập thêm 2 triệu tấn gạo. Hay như Philippines, theo báo cáo mới nhất về tình hình thương mại thế giới, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo nhập khẩu gạo của Philippines trong giai đoạn 2023 – 2024 là khoảng 3,8 triệu tấn.

Giá tăng nhưng khó ký hợp đồng

Giá gạo xuất khẩu tăng là tin vui cho cả người trồng lúa và doanh nghiệp, song theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, việc giá tăng quá cao khiến các hợp đồng khó ký kết. Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại dịch vụ Phước Thành 4, lúc này không có doanh nghiệp nào dám bán gạo bởi muốn bán phải có tồn kho, trong khi đó nguồn cung gạo thời điểm này đã cạn và phải chờ tới vụ Thu Đông mới có.

Ngoài cạn nguồn cung, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice- nói rằng, giá xuất khẩu tăng cao trong thời gian qua đã kéo giá lúa trong nước ở mức cao, thậm chí giá nội luôn cao hơn giá ngoại, khiến doanh nghiệp không dám ký kết hợp đồng mới vì sợ thua lỗ. Ngoài ra, giá quá cao khách hàng cũng không lựa chọn Việt Nam mà tìm đến một nguồn cung khác có giá tốt hơn.

Trên thực tế, theo VFA, thời điểm này các doanh nghiệp thận trọng trong ký kết hợp đồng là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi đầu năm nay nhiều doanh nghiệp ký trước hợp đồng khi chưa có chân hàng đã phải chịu lỗ nặng. Do đó, VFA cũng khuyến cáo các doanh nghiệp nên chuẩn bị chân hàng rồi mới ký kết để tránh rủi ro.

Nguồn: https://congthuong.vn/