Nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa qua “kênh” Kiều bào
Việt Nam hiện có trên 5 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. Thông qua kiều bào ở các nước, việc đưa hàng hóa, đặc biệt là nông sản Việt ra thế giới của nhiều doanh nghiệp trong nước trở nên thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả.
Cầu nối kiều bào và doanh nghiệp
Thị trường tiêu thụ của hàng Việt Nam trên thế giới đang ngày càng được mở rộng. Ngoài nỗ lực chuẩn hóa chất lượng của sản phẩm, khả năng khai thác thị trường của doanh nghiệp Việt, còn có một phần không nhỏ chính là sự lan tỏa, kết nối của cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại. Đây cũng được xem là lực lượng gắn kết quan trọng để hàng Việt Nam ngày càng vươn xa, bám rễ sâu tại các thị trường lớn trên thế giới.
Chia sẻ về việc đưa đặc sản mắm ruốc, mắm cá linh, mắm cá sặc, tôm chua cà pháo, tôm chua đu đủ, bánh lọc… sang thị trường Mỹ, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chế biến thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods) cho biết, nhờ kênh kiều bào, nên việc sản xuất của công ty thuận lợi rất nhiều gặp thuận lợi. Cụ thể, doanh nghiệp được giúp đỡ các thủ tục xin giấy chứng nhận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để xuất khẩu những món ngon truyền thống từ quê hương Việt Nam vào Mỹ.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân giúp Sông Hương Foods xuất khẩu đặc sản quê hương tăng trưởng mạnh doanh số ở thị trường Mỹ là nhờ các clip đánh giá ẩm thực Việt được kiều bào xem nhiều. Bản thân doanh nghiệp cũng chủ động truyền thông, quảng bá sản phẩm đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài thông qua mạng xã hội. Dự kiến năm 2023, doanh số xuất khẩu các loại đặc sản của công ty sang thị trường Mỹ đạt 1,5-2 triệu USD.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu cho biết, trong những năm qua công ty đã đưa hàng chục loại cà phê trái cây được chế biến từ khoai môn, dừa, đậu xanh…, và gần đây là các loại trái cây sang Australia, Mỹ, Hàn Quốc…
Ông Luận cho biết thêm, việc xuất khẩu ban đầu không hề dễ dàng, bởi không đủ nguồn lực tài chính để đồng hành với doanh nghiệp nước ngoài quảng bá sản phẩm. Ban đầu doanh nghiệp chọn đối tác phân phối là người bản địa tại các nước. Là những nhà phân phối lớn nhưng họ không quan tâm thương hiệu Việt nên dù mất nhiều chi phí marketing nhưng doanh nghiệp vẫn thất bại. Sau đó, công ty chuyển hướng, hợp tác với các doanh nghiệp của Việt kiều ở nước sở tại. Đến nay, 80% đối tác tại nước ngoài của công ty là doanh nghiệp của kiều bào, việc hợp tác phân phối hàng hóa rất thuận lợi. Trong đó, có một nhà phân phối lớn tại châu Âu không chỉ nhập cà phê mà còn nhập sản lượng lớn bưởi, dừa… từ Việt Nam.
Thúc đẩy kênh thương mại điện tử và kết nối hiệp hội
Dù bước đầu đã có những thành công nhất định song nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, để hàng Việt lan tỏa và tiếp cận thị trường quốc tế tốt hơn cần có chiến lược lâu dài. Chia sẻ tại hội nghị Vai trò cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TPHCM năm 2023 diễn ra cuối tuần qua, ông Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ – Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cho rằng, hàng Việt Nam hiện phần lớn đang xuất khẩu theo các hãng nước ngoài mà thiếu kênh nhập khẩu từ các doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, thời gian tới, cần thiết lập mạng lưới doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài để thúc đẩy kênh phân phối tại thị trường nước ngoài; thúc đẩy thành lập các hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài làm đầu mối, kết nối kênh tiêu thụ hàng Việt và phòng tránh rủi ro thị trường.
Ông Nguyễn Phú Hòa, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia cho biết, thương vụ Việt Nam tại Australia luôn phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để quảng bá hàng hóa Việt, giúp bán nông sản Việt với giá cao hơn. Gạo ST25 của Việt Nam đã phủ khắp nước Australia, sầu riêng Việt Nam cũng thâm nhập thị trường này thành công. Sắp tới, Thương vụ sẽ phối hợp tổ chức các sự kiện xúc tiến tiêu thụ quả vải, nhãn, dừa Việt Nam, mở ra triển vọng thâm nhập thị trường này.
Ở thị trường Hàn Quốc, ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA) nhìn nhận: “Doanh nghiệp muốn bán hàng vào những thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật, châu Âu, Mỹ… trước tiên phải đáp ứng các tiêu chuẩn của họ. Từ kinh nghiệm này, VKBIA mong muốn thành lập trung tâm xúc tiến hàng hoá xuất khẩu Việt Nam tại Hàn Quốc để đẩy mạnh phối hợp với các tập đoàn phân phối lớn của Hàn Quốc lẫn doanh nghiệp của người Việt tại đây nhằm giới thiệu thêm nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam đến thị trường Hàn Quốc”.
Ngoài ra, theo TS Phan Thị Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho biết, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử… Đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới. Tuy nhiên, nhược điểm các sản phẩm của Việt Nam là giá trị sản phẩm thấp, chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp, xuất khẩu nguyên liệu thô, giá trị phụ trội, thiếu chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cho dòng sản phẩm.
Theo đó, trước khi có ý định xuất ngoại, doanh nghiệp cần định vị thương hiệu bản sắc của doanh nghiệp thật chuẩn, hoàn thiện tốt thiết kế bộ nhận diện thương hiệu của mình. Doanh nghiệp Việt Nam phải biết các kênh bán hàng ở Trung Quốc hiện nay để tiếp cận. Ví dụ kênh truyền thống vẫn là tìm đại lý, tìm nhà phân phối; OEM gia công cho các thương hiệu. Mặt khác, doanh nghiệp Việt nên tham gia vào thương mại điện tử xuyên biên giới, TS Phan Thị Trà My nhấn mạnh.
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/