Nhóm nông sản tiếp tục dẫn dắt đà tăng trên thị trường hàng hóa
Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, mặc dù sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày giao dịch hôm qua, tuy nhiên, lực mua rất mạnh trên nhóm nông sản đã kéo chỉ số MXV-Index đóng cửa tiếp tục tăng phiên thứ 2 liên tiếp, với mức tăng 0,95% lên 2.269 điểm.
Trong đó, nhóm nông sản tiếp tục ghi nhận các mức tăng vọt của nhiều mặt hàng quan trọng, đóng góp chủ yếu vào đà tăng chung của toàn thị trường trong ngày hôm qua.
Giá lúa mì tăng vọt 8,5%
Đáng chú ý, giá ngô và lúa mì tiếp tục đà tăng vọt trong phiên hôm qua trước những thông tin xoay quanh căng thẳng ở Biển Đen dẫn tới hoạt động xuất khẩu ngũ cốc qua khu vực này bị gián đoạn. Lo ngại này cũng kéo giá lúa mì nhảy vọt tới 8,5%, mức tăng cao nhất từng được ghi nhận kể từ sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm 2022. Bên cạnh đó, giá ngô cũng đóng cửa với mức tăng gần 3,5%.
Về phía Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, trừ khi Liên Hợp Quốc thực hiện các cam kết của bản ghi nhớ về xuất khẩu nông sản của nước này trong vòng 3 tháng tới, Moscow sẽ không khởi động lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.
Theo MXV, Nga và Ukraine còn là những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu của thế giới, chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mì và 20% sản lượng ngô xuất khẩu. Do đó, việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sẽ đe dọa đến triển vọng an ninh lương thực toàn cầu và làm gia tăng rủi ro lạm phát giá lương thực, đặc biệt là tại các nước chậm phát triển. Việc 2 mặt hàng nông sản là ngô và lúa mì bật tăng mạnh như giai đoạn bắt đầu xung đột cũng cho thấy lo ngại toàn cầu khi nguồn cung ngũ cốc từ khu vực Biển Đen ra thế giới hoàn toàn bị đóng băng.
Thị trường kim loại suy yếu
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/7, sắc đỏ áp đảo bảng giá thị trường kim loại với 9 trên 10 mặt hàng đồng loạt suy yếu. Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX nối dài đà giảm sang phiên thứ tư liên tiếp khi giảm 0,4%.
Trong khi đó, giá quặng sắt trên Sở Singapore giảm 1,18% xuống 112,35 USD/tấn. Trong bối cảnh tiêu thụ vẫn còn yếu kém trên toàn cầu nói chung và tại Trung Quốc nói riêng, việc nguồn cung sắt được duy trì ổn định đã làm gia tăng sức ép bán trên thị trường quặng sắt.
Vào hôm qua, 2 trong 3 tập đoàn khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới là Vale SA và Rio Tinto đã báo cáo sản lượng quặng sắt quý II tăng trưởng tích cực. Vale SA cho biết họ đã khai thác 78,7 triệu tấn quặng sắt trong quý II, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. So với quý I, sản lượng quặng sắt của Vale tăng gần 18%.
Tuy vậy, mặc dù sản lượng khai thác tăng nhưng doanh số bán hàng của Vale trong quý II gần như không thay đổi so với cùng kỳ năm 2022, ở mức 63,3 triệu tấn, cho thấy mức tiêu thụ yếu trên toàn cầu.
Về phía Rio Tinto, công ty công bố sản lượng quặng sắt đạt 81,3 triệu tấn trong quý II/2023, cao hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá thép xây dựng nội địa tiếp tục duy trì ổn định sau kỳ điều chỉnh gần nhất vào ngày 14/7 vừa qua. Theo đó, hiện thép CB240 đang giao động ở mức 13,74-14,48 triệu đồng/tấn; còn thép cây D10 CB300 ở khoảng 14,06-15,1 triệu đồng/tấn. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng trong nước đã có 14 đợt giảm giá liên tiếp. Hiện tại, giá thép xây dựng nội địa đang thấp hơn khoảng 10% so với mức đỉnh trong năm nay ghi nhận vào hồi đầu tháng 3.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/