“Phá băng” nền kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Trong khi khu vực phía Bắc, các doanh nghiệp vẫn duy trì được sản xuất và xuất khẩu thì các tỉnh thành phía Nam, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Cần sớm có các giải pháp “phá băng” nền kinh tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất.

Bức tranh trái chiều

Tổng cục Hải quan, tháng 8, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nên hàng hóa xuất nhập khẩu ở 19 tỉnh, thành phía Nam chỉ đạt 18,5 tỷ USD, giảm 23% (tương ứng giảm 5,6 tỷ USD) so với tháng 7. Trong đó, xuất khẩu đạt 8,2 tỷ USD, giảm 28% (tương ứng giảm 3,2 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 10,3 tỷ USD, giảm 19% (tương ứng giảm 2,4 tỷ USD).

Nếu so sánh với tháng 6/2021 (tháng chưa thực hiện giãn cách xã hội), xuất nhập /khẩu tại các đơn vị còn giảm mạnh tới 30%. Trong đó xuất khẩu giảm tới 41% và nhập khẩu giảm 18%. Các ngành hàng tập trung nhiều nhà máy ở khu vực phía Nam như gỗ và sản phẩm gỗ; giày dép; dệt may… đều bị ảnh hưởng nặng nề trong tháng 8.

Trong nửa đầu năm 2021, 19 tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ đã đóng góp 45% vào trị giá xuất khẩu cả nước với 79 tỷ USD.

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, trong nửa đầu năm 2021, 19 tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ đã đóng góp 45% vào trị giá xuất khẩu cả nước với 79 tỷ USD.

Việc áp dụng Chỉ thị 16 với những yêu cầu nghiêm ngặt, các doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường, hai điểm đến” thì mới được phép duy trì sản xuất. Tuy nhiên, qua thực tế thời gian vừa qua, số lượng các doanh nghiệp có khả năng áp dụng các biện pháp kể trên rất ít và số lượng doanh nghiệp phải dừng hoạt động khá đông. Theo thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất TP. Hồ Chí Minh, chỉ có khoảng 600 doanh nghiệp của thành phố tiếp tục hoạt động nhờ áp dụng chế độ này, một con số quá ít ỏi so với hàng chục nghìn doanh nghiệp của thành phố. Doanh nghiệp ngừng hoạt động sẽ không đáp ứng được đơn hàng xuất khẩu. Trong khi kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, nhu cầu hàng hóa rất lớn, việc không tham gia được vào chuỗi cung ứng và không đáp ứng được đơn hàng là thiệt thòi, ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp trong thời gian tới. Ngoài ra, một trong những thách thức khác hiện nay chính là thiếu lao động khi nhiều lao động đã trở về địa phương.

Trong khi đó, ở các địa phương trọng điểm phía Bắc như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hải Dương… với tình hình dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả nên hoạt động xuất nhập khẩu có sự phục hồi ấn tượng, giúp tình hình cả nước nói chung được cải thiện đáng kể.

Diễn biến trái chiều của hai khu vực khiến cả tháng 8, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 54,57 tỷ USD, chỉ giảm 4,2% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 27,23 tỷ USD, giảm 2,3% so với tháng trước (tương ứng giảm 636 triệu USD); nhập khẩu đạt 27,34 tỷ USD, giảm 6,1% (tương ứng giảm 1,77 tỷ USD).

Lũy kế đến hết tháng 8, quy mô xuất nhập khẩu cả nước đạt 429,68 tỷ USD, tăng 27,5% với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 92,62 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu đạt 213,52 tỷ USD, tăng 21,8% và nhập khẩu đạt 216,15 tỷ USD, tăng 33,7%. Như vậy, bình quân 8 tháng đầu năm, mỗi tháng kim ngạch xuất nhập khẩu đat gần 54 tỷ USD. Km ngạch đạt được trong tháng 8 vẫn cao hơn bình quân chung những tháng đầu năm.

Về cán cân thương mại, trong tháng 8, cả nước nhập siêu 109 triệu USD. Tính hết tháng 8, cả nước nhập siêu 2,63 tỷ USD.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tái khởi động sản xuất

Nhận định về tình hình xuất khẩu thời gian tới, ông Trần Thanh Hải cho biết, trong dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp của ta vẫn duy trì được sản xuất và tiếp tục xuất khẩu, nhưng nếu tiếp tục “đóng băng” nền kinh tế, sẽ đến lúc gần như tất cả các doanh nghiệp phải dừng sản xuất thì thiệt hại là hết sức lớn.

Về thị trường, cơ bản hiện nay không có biến động gì. Sức mua của thị trường thế giới vẫn ổn định, thậm chí đây là thời điểm thị trường các nước đang tích cực nhập hàng để phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm. “Do vậy, các doanh nghiệp được trở lại sản xuất sớm ngày nào sẽ tốt ngày đó, giúp doanh nghiệp có dòng tiền để trang trải các chi phí, kêu gọi người lao động trở lại làm việc, chạy đua để hoàn thành các đơn hàng bị chậm muộn, giữ chân được khách hàng để có hợp đồng mới” – ông Trần Thanh Hải nhận định.

Việt Nam đã thiết lập được một vị trí tương đối trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là với các mặt hàng như điện tử, điện thoại, dệt may, da giầy, đồ gỗ. Do vậy, các khách hàng lớn có thể tạm thời chuyển đơn hàng đi nước khác, nhưng họ sẽ không dễ rời bỏ Việt Nam.

“Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì thực sự sẽ có khó khăn. Dòng tiền cạn kiệt khi không tạo ra doanh thu trong lúc vẫn phải chi trả các khoản tiền cố định như thuê mặt bằng, khấu hao tài sản, lãi ngân hàng cho đến phí Công đoàn… Nhiều doanh nghiệp không thể đợi đến ngày được mở cửa sản xuất trở lại. Những doanh nghiệp nhỏ cũng dễ bị mất đơn hàng hơn vì khách hàng có nhiều lựa chọn để thay thế. Vì vậy, các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước cũng cần tập trung hỗ trợ cho nhóm đối tượng này” – ông Hải kiến nghị.

Để dự báo về kết quả xuất khẩu của nước ta trong năm 2021 sẽ rất khó bởi phụ thuộc rất lớn vào kết quả khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên, với tiềm lực, kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian vừa qua, cộng với những thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do và uy tín mà doanh nghiệp đã thiết lập được thì sẽ nhanh chóng lấy lại đà phục hồi xuất khẩu trong thời gian tới.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Nguồn: congthuong.vn