Quản lý thị trường nâng cao hiệu quả công tác chống hàng giả trên thương mại điện tử
Việc ngăn chặn các hành vi vi phạm gian lận thương mại, hàng giả góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử phát triển.
Kiểm tra, phát hiện nhiều vụ vi phạm
Những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử đã có những bước phát triển đáng kể. Các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến đã và đang đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đổi mới. Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động này đang phát sinh nhiều rủi ro, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế và đời sống của nhân dân.
Theo báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính hoạt động thương mại điện tử năm 2022 của Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện các hành vi buôn bán hàng hóa, dịch vụ cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, cung cấp thông tin sai lệch để lừa dối người tiêu dùng…
Các hành vi vi phạm chủ yếu về thương mại điện tử xảy ra chủ yếu như: thiết lập website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước; Thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử mà chưa được xác nhận đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước; Không cung cấp đầy đủ cho khách hàng thông tin về cá nhân, tổ chức sở hữu website; Không xây dựng ban hành và thực hiện chính sách đảm bảo an toàn, an ninh cho việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng; Không cho phép khách hàng lưu trữ thông tin xác nhận nội dung giao dịch sau khi tiến hành giao kết hợp đồng; Giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động thương mại điện tử; Cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường internet…
Trong đó, xác định việc ngăn chặn các hành vi vi phạm, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử phát triển, thời gian qua, đặc biệt, trong năm 2022, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố xây dựng phương án thực hiện hoặc chuyên đề về đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại trong thương mại điện tử. Cùng với đó, Tổng cục Quản lý thị trường cũng chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước như: Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương; Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05), Bộ Công an… để kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sử dụng thương mại điện tử, công nghệ cao nhằm kinh doanh trên môi trường internet, chào bán hàng hóa vi phạm.
Với những chỉ đạo sát sao, kịp thời từ lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2022 lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 774 vụ, xử lý 439 vụ, phạt tiền gần 5,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 11,5 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 2 vụ sang cơ quan Cảnh sát điều tra liên quan đến những hành vi vi phạm về thương mại điện tử. Điển hình, lực lượng Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội là đơn vị có số vụ kiểm tra, xử lý lớn nhất cả nước với 388 vụ kiểm tra, xử lý 182 vụ, xử phạt gần 2,3 tỷ đồng, trị giá hàng hoá gần 4,5 tỷ đồng.
Đẩy mạnh công tác phối hợp
Đánh giá về những thuận lợi trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thương mại điện tử, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, lực lượng Quản lý thị trường và các đơn vị thuộc Bộ đã tích cực, chủ động phối hợp trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm; Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về thương mại điện tử, ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng giả được triển khai từng bước, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong việc chấp hành các quy định pháp luật về thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.
Một trong những rào cản lớn nhất của công tác quản lý việc kinh doanh trên thương mại điện tử là tỷ lệ cá nhân, tổ chức đăng ký, thông báo theo đúng quy định khi tham gia vẫn còn rất thấp, nhiều vấn đề phát sinh chưa được quản lý tốt. Đơn cử, hiện nay, lực lựng chức năng phát hiện các đối tượng thường thuê các căn hộ chung cư vừa làm nhà ở, vừa làm điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa. Các khu vực này thường có an ninh, bảo mật cao gây khó khăn cho công tác tiếp cận, trinh sát. Khi có sự phối hợp của chính quyền địa phương kiểm tra các điểm này thì các đối tượng thường có biểu hiện chống đối hoặc giải thích hàng hóa tập kết với nhu cầu sử dụng, tặng cho, không phải mục đích kinh doanh, không chấp nhận xử lý.
Do đó, nhằm tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường internet, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt, phối hợp với các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ luồng hàng hóa kèm hóa đơn chứng từ theo các đơn vị chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, tập kết tại kho hàng, các cảng cạn (ICD). Rà soát thông tin thanh toán qua các dịch vụ thu hộ (COD) của các đơn vị chuyển phát. Tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với các đơn vị này. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.
Đáng chú ý, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Quản lý thị trường, tiến hành rà soát, xây dựng cơ cấu tổ chức nằm trong cơ quan Tổng cục Quản lý thị trường có chức năng chuyên môn về tham mưu, thực thi nhiệm vụ quản lý, giám sát các mô hình, hoạt động kinh doanh gắn với môi trường mạng.
Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố nắm tình hình, dự báo, đánh giá biến động thị trường để có biện pháp kiểm tra, giám sát, đấu tranh, xử lý có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm trong kinh doanh thương mại điện tử. Đặc biệt là các sàn giao dịch thương mại điện tử, các website thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến và các hoạt động sử dụng phần mềm khác trên môi trường internet.
Song song với đó, mở rộng triển khai và cụ thể hóa nội dung của Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử”, đẩy mạnh tuyên truyền lan tỏa rộng rãi trong doanh nghiệp thương mại điện tử, đặc biệt là đối với các sàn giao dịch điện tử và người tiêu dùng trong việc chủ động trang bị các kỹ năng mua hàng trên mạng; cảnh giác cao độ với những chào bán bám đuổi trên các thiết bị điện tử.
Nguồn: https://kinhte.congthuong.vn/