Tăng chất cho cà phê để giữ giá xuất khẩu
Trong bối cảnh xuất khẩu cà phê đang được lợi về giá, việc nâng cao chất lượng là yếu tố quan trọng để giữ được mức giá này.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sau mức tăng mạnh kết thúc tháng 10, đóng cửa ngày 1/11, trên thị trường cà phê, giá Arabica đã quay đầu giảm mạnh 4,48% sau khi bật tăng trong phiên cuối cùng của tháng 10. Giá Robusta cũng đóng cửa thấp hơn mức tham chiếu 2,28%. Tâm lý lo ngại của giới đầu tư trước cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khiến giá biến động mạnh.
Bất chấp tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE giảm về mức 380.033 bao loại 60kg, mức thấp nhất trong 24 năm, giá cà phê vẫn quay đầu sụt giảm.
Thị trường đã có nhiều đồn đoán trái chiều về khả năng tăng lãi suất của FED trước khi cơ quan này quyết định giữ lãi suất ổn định ở mức 5,25 – 5,5% trong cuộc họp vào rạng sáng ngày 2/11 theo giờ Việt Nam.
MXV cho biết cà phê là mặt hàng không thiết yếu và chịu tác động lớn từ các biến động kinh tế vĩ mô cũng như dòng tiền trên thị trường. Điều này lý giải cho việc giá bất ngờ giảm sâu sau phiên bật tăng trước đó dù thông tin cơ bản vẫn hỗ trợ giá. Tuy nhiên, xu hướng này được dự báo sẽ không kéo dài lâu.
Cùng chung xu hướng thế giới, sáng nay trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ bất ngờ quay đầu giảm mạnh 1.200 đồng/kg, xoá đi hoàn toàn mức phục hồi trong ngày trước đó. Như vậy, giá thu mua cà phê trong nước đã giảm về mức 57.000 – 57.800 đồng/kg.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 10/2023 đã tăng trở lại, đạt 60.000 tấn, tăng 17,7% so với tháng 9/2023, nhưng giảm 29,7% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu đạt 189 triệu USD, tăng 12,1% so với tháng 9, nhưng giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 10 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,313 triệu tấn, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch đạt 3,32 tỷ USD, giảm 0,2%.
Về thị trường, tốc độ nhập khẩu cà phê của Trung Quốc tăng bình quân hơn 25%/năm. Năm 2022, quốc gia này chi gần 50 triệu USD mua cà phê Việt Nam.
Tại Trung Quốc, cà phê hòa tan, cà phê chế biến sẵn đang chiếm thị phần lớn nhờ sự tiện lợi trong sử dụng. Đây được coi là yếu tố thuận lợi giúp các doanh nghiệp cà phê Việt Nam thúc đẩy tiêu thụ cà phê tại thị trường tỷ dân này.
Vừa qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội tiếp cận giới thiệu sản phẩm cà phê chế biến tại Hội chợ Trung Quốc – ASEAN tổ chức ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Doanh nghiệp đã tìm hiểu về thị hiếu tiêu dùng, xu hướng thị trường để xây dựng kế hoạch tiếp cận cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Hầu hết các doanh nghiệp cà phê vùng Tây Nguyên nhận định, Trung Quốc hiện đang là thị trường có nhiều tiềm năng với sức mua lớn. Tuy nhiên, đây không còn là thị trường dễ tính. Bởi người tiêu dùng quốc gia này khá khắt khe trong vấn đề phải được trải nghiệm những sản phẩm mới, sản phẩm cà phê chất lượng cao.
Nhìn nhận Trung Quốc là thị trường lớn, nhưng lại có tính cạnh tranh cao, nên các doanh nghiệp vùng Tây Nguyên đang nỗ lực đầu tư đa dạng hóa các sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chế biến, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sang thị trường tỷ dân theo hình thức chính ngạch.
Nguồn: https://congthuong.vn/