Thúc đẩy xuất khẩu bền vững
Cứ đến khoảng giữa năm là những lo ngại về ùn ứ nông sản xuất khẩu tại cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc lại dấy lên.
Vấn đề này gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, người nông dân và có thể ảnh hưởng đến uy tín của hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực và quyết tâm từ các bộ, ngành và doanh nghiệp, xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc cũng có những kết quả đáng khích lệ. Trong báo cáo mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây sang thị trường Trung Quốc đang diễn ra rất thuận lợi. Cục Bảo vệ thực vật cập nhật liên tục những yêu cầu của phía Trung Quốc để các doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án đáp ứng tốt mọi yêu cầu của phía bạn, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu. Theo Cục Thú y, đến nay đã có 34 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu tổ yến, trong đó 2 doanh nghiệp đã được Cục Thú y ký xác nhận gửi hồ sơ sang Trung Quốc…
Nhưng để thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong bối cảnh khó khăn, trong chỉ đạo của Thủ tướng, bên cạnh các giải pháp trước mắt, về giải pháp lâu dài, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng, phát triển các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung với quy mô phù hợp, bảo đảm đáp ứng các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu…
Các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp được yêu cầu tổ chức lại sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, đảm bảo đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển, truy xuất nguồn gốc để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch…
Rõ ràng, đây không phải là những yêu cầu mới hay đặc biệt đối với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp bởi vấn đề thúc đẩy xuất khẩu nông nghiệp đã được nói đến nhiều lần, nhưng những tác động từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước vẫn khiến lĩnh vực này gặp nhiều hạn chế, vướng mắc. Vì vậy, những giải pháp, chỉ đạo mà Chính phủ đưa ra cần được thực hiện một cách đồng bộ hơn nữa với những nhận thức và tư duy mới để triển khai công việc một cách hiệu quả. Hiện nay, hoạt động kinh doanh không thể vì cái lợi trước mắt mà phải tìm phương thức hoạt động lâu dài, thúc đẩy xuất khẩu bền vững để tạo giá trị gia tăng cao hơn cho nền kinh tế.
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/