Vì sao Việt Nam chưa gỡ được “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu đối với thủy sản?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nêu nguyên nhân đến nay Việt Nam chưa gỡ được “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với khai thác thủy sản.

Nguyên nhân Việt Nam chưa gỡ được “thẻ vàng”

Hoạt động khai thác IUU (các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất tới việc khai thác bền vững nguồn tài nguyên sinh vật, nhất là đối với đa dạng sinh học biển.

Ủy ban Châu Âu (EC) đã ban hành quy định số 1005/2008 về thiết lập hệ thống cộng đồng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác IUU, có hiệu lực từ ngày 1/1/2010.

Ngày 23/10/2017, EC có thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo “Thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU với lý do Việt Nam chưa kiểm soát được đội tàu dẫn đến tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài gia tăng và chưa kiểm soát được tính hợp pháp sản phẩm hải sản từ khai thác xuất khẩu sang thị trường EU.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mặc dù tích cực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, quyết liệt chống khai thác IUU và đạt được nhiều kết quả quan trọng được EC ghi nhận đánh giá cao, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa gỡ được thẻ vàng.

Nguyên nhân chủ yếu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay đó là: Thứ nhất, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp.

Từ đầu năm 2023 đến 8/8/2023 tiếp tục xảy ra 26 tàu/166 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, gồm Malaysia, Indonesia, Thái Lan (chưa kể các vụ việc bị Campuchia bắt giữ, xử lý 10 tàu/36 ngư dân), tập trung tại các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu, Tiền Giang, Cà Mau và Kiên Giang. EC khẳng định không gỡ cảnh báo “thẻ vàng” nếu không chấm dứt tình trạng này.

Thứ hai, công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác trong nước, đặc biệt là nhập khẩu còn nhiều tồn tại, bất cập, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của EC.

Thứ ba, việc xử lý các hành vi khai thác IUU còn hạn chế: Công tác thực thi pháp luật, xử lý, xử phạt các hành vi khai thác IUU tại một số địa phương rất yếu kém, thiếu trách nhiệm và chưa thống nhất, đồng bộ; đặc biệt là vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển…

Nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu để gỡ “thẻ vàng” đối với IUU, Thường trực Ban Bí thư đã ban hành Văn bản số 81-CV/TW ngày 20/3/2020 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác IUU; coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách tại địa phương; lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi với Lãnh đạo cấp cao của Liên minh Châu Âu về cam kết, nỗ lực, quyết tâm chính trị của Việt Nam về chống khai thác IUU.

Thủ tướng Chính phủ đã: Ban hành 03 Chỉ thị, 04 Công điện, 03 Quyết định và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp chủ trì 02 cuộc họp trực tuyến với các Ban, Bộ, Ngành Trung ương có liên quan và địa phương; chỉ đạo trực tiếp đến cấp xã/phường/thị trấn, huyện/quận/thị xã có biển của 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương;

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo quốc gia về IUU đã tổ chức 07 cuộc họp để sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện và chỉ đạo tiếp tục khắc phục IUU với các nhiệm vụ, giải pháp thực tiễn trong từng thời gian cụ thể. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo) ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và thường xuyên tổ chức các cuộc họp, các Đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn địa phương thực hiện và chuẩn bị nội dung, kế hoạch tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4 đảm bảo đạt kết quả tốt nhất.

Bộ Quốc phòng thường xuyên tổ chức các cuộc họp để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao để ngăn chặn tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả gửi Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về IUU theo quy định. Ngoài ra, các Ban, Bộ, Ngành Trung ương có liên quan đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao về hợp tác quốc tế, thông tin truyền thông và bố trí kinh phí, nguồn lực chống khai thác IUU…

Đối với 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo IUU của tỉnh, ban hành Nghị quyết, Chỉ thị, cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả chống khai thác IUU.

Cụ thể như: Hỗ trợ kinh phí cho ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), bố trí nguồn lực tại cảng cá để kiểm soát sản lượng khai thác thủy sản cập cảng (cả khai thác trong nước và nhập khẩu); tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao để tàu cá địa phương tiếp tục vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 265/CĐ-TTg…

Tập trung cao điểm xử lý các hành vi vi phạm IUU

Chia sẻ về đánh giá chung của Đoàn Thanh tra EC đến nay (7/2023), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, sau lần thanh tra thứ 3 (10/2022), Đoàn Thanh tra EC vẫn tiếp tục khuyến nghị thực hiện 4 nhóm vấn đề bao gồm: Khung pháp lý; quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra kiểm soát tàu cá; truy xuất nguồn gốc; thực thi pháp luật.

Theo đó, đã có những chuyển biến tích cực. EC đã tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao quyết tâm chính trị của Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp tốt với các Bộ, Ngành và địa phương chỉ đạo và tổ chức triển khai nhiều giải pháp tích cực để chống khai thác IUU; chuẩn bị tốt nội dung, kế hoạch, chương trình làm việc với Đoàn Thanh tra của EC, cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan đảm bảo tính minh bạch, trung thực và khánh quan.

Tình hình chống khai thác IUU đã có sự tiến bộ hơn rất nhiều so với đợt thanh tra thực tế lần thứ 2 vào năm 2019, cụ thể như; Khung pháp lý cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU và tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tích cực; công tác quản lý đội tàu, lắp đặt thiết bị VMS đã có sự chuyển biến tích cực; đã triển khai hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; thực hiện việc kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo quy định của Hiệp định PSMA về tổng thể đã có sự cải thiện tốt hơn so với trước.

Trong thời gian tới, các giải pháp tập trung để tháo gỡ thẻ vàng đó là: Thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn từ nay trở đi không để xảy ra tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; kiểm soát nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu, đặc biệt nhập khẩu bằng tàu container; tập trung cao điểm xử lý các hành vi vi phạm IUU; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao hiệu quả phối hợp, bảo đảm nguồn lực.

Bên cạnh đó, các Hội, Hiệp hội thủy sản, Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU. Phối hợp với các cơ quan chức năng để cung cấp thông tin, xử lý nghiêm các doanh nghiệp thủy sản làm ăn phi pháp, hợp thức hóa hồ sơ, tiếp tay, dung túng cho hành vi khai thác IUU. Tích cực vận động hội viên gương mẫu, thực hiện tốt các quy định về phòng, chống khai thác IUU.

Năm 2022, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản tăng 4,1% so với năm 2021, tổng sản lượng đạt 9,026 triệu tấn, tăng 2,7% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt kỷ lục gần 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021. 7 tháng đầu năm 2023, sản lượng đạt 5.093,6 nghìn tấn, tăng 1,9%; trong đó: Khai thác đạt 2.282,5 nghìn tấn, tăng 0,4%; nuôi trồng đạt sản lượng 2.811,1 nghìn tấn, tăng 3,1%.

Nguồn: https://congthuong.vn/